Hàng loạt ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm
Thanh khoản dồi dào, huy động vốn tăng trưởng tích cực trong khi tín dụng có dấu hiệu chậm lại; lần lượt các ngân hàng áp dụng biểu lãi suất mới, theo đó giảm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm so với thời điểm mới ra Tết.
Đua nhau điều chỉnh giảm lãi suất
Sau khi tăng lãi suất kha khá vào hồi trước và ngay sau Tết Nguyên Đán để thu hút tiền nhàn rỗi, thời gian gần đây nhiều ngân hàng lại lần lượt giảm lãi suất tiền gửi, trong đó chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, VPBank đã áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ 30/3, điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ ba liên tiếp trong hai tháng gần đây của VPBank.
Ngân hàng VIB cũng có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 3. Theo đó, giảm khoảng 0,3 – 0,5 điểm phần trăm so với hồi tháng 1 ở các kỳ hạn 1-3 tháng xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm. Hiện lãi suất của kỳ hạn 6 tháng là 6% đến 6,3% tùy lượng tiền gửi nhiều hay ít.
Tại ngân hàng MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 2. Ví dụ như lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,2% xuống còn 5,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%.
Ở khối NHTM có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất đã thấp lại càng xuống sâu hơn. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ hạn dài lại không thay đổi, từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi 6,8 -6,9%/năm.
BIDV cũng đã có 2 lần điều chỉnh khung lãi suất huy động trong tháng vừa rồi. Theo đó, lần đầu giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lần 2 điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 364 ngày và 13 tháng. Hiện lãi suất tiền gửi 1-2 tháng ở ngân hàng này chỉ còn 4,1%; lãi suất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 6,8-6,9%.
Thanh khoản dồi dào, không còn áp lực huy động
Nhìn chung, các ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất nhiều hơn ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng với mức giảm phổ biến 0,2-0,4 điểm phần trăm. Tuy giảm so với hồi tháng 2, song so với cuối năm 2017, lãi suất tiết kiệm hiện nay ở các kỳ hạn phổ biến cao hơn một chút, khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm. Chênh lệch lãi suất huy động giữa các NHTM CP và NHTM Nhà nước vẫn khá lớn, cách nhau từ 0,5 đến 0,9% ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.
Việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất đầu vào được cho là do thanh khoản hệ thống dồi dào, tín dụng tăng chậm lại trong khi nguồn huy động vẫn đang tăng trưởng tốt.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến hết tháng 3, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2%, cao hơn so với cuối năm 2017 (87,8%). Thanh khoản hệ thống ổn định một phần do NHNN tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ chậm.
Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đến hết quý đầu năm tăng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoài (2,6%). Trong khi đó, tín dụng lại có dấu hiệu chậm lại, ước tính hết tháng 3 tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm ngoái là 4,3%).
Như vậy, với tình hình thanh khoản dồi dào trong khi hoạt động cho vay đã bớt tăng nóng thì việc các NHTM giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, đảm bảo khả năng sinh lời.
Không chỉ lãi suất trên thị trường 1, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm khá mạnh. Mức lãi suất qua đêm bình quân đã giảm 0,47 điểm phần trăm so với cuối năm 2017 xuống còn 0,83%; lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73% (lần lượt giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).