Tương lai của ngân hàng có thể tìm thấy trong metaverse?
Thực tế ảo có thể là câu trả lời cho các dịch vụ tài chính được tối ưu hóa theo hướng số hóa hơn mà không phải hy sinh khả năng cá nhân hóa.
Tương lai của ngành ngân hàng có thể chỉ là nằm ở sự thoải mái ngay trong ngôi nhà của bạn trong khi bạn đưa mình vào một thế giới kỹ thuật số và thảo luận về các sản phẩm/dịch vụ tài chính số với trợ lý ngân hàng của mình. Ít nhất, đó là những gì các ngân hàng đang đặt cược khi tiến vào metaverse.
Những tổ chức cho vay toàn cầu – trong số đó có những tên tuổi lớn như J.P. Morgan và Standard Chartered– được cho là đã giành được vùng đất ảo để đặt hạt giống cho các đế chế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của mình, khi họ tìm cách khám phá cách nền tảng kỹ thuật số đang phát triển này có thể phục vụ tốt hơn những khách hàng ngày càng hiểu biết về công nghệ.
Paul Sommerin, đối tác và lãnh đạo kỹ thuật số, dữ liệu và công nghệ của Capco cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của các ngân hàng, chủ yếu là do các vườn ươm đổi mới nội bộ của họ". Leon Leung, cố vấn chính và trưởng bộ phận đổi mới APAC thì chia sẻ: "Trọng tâm ở thời điểm này là làm thế nào các ngân hàng có thể tương tác với người tiêu dùng trẻ hơn và am hiểu công nghệ hơn trong tương lai và đây là một con đường tiềm năng để tiếp cận họ."
Ở châu Á, các ngân hàng đã bắt đầu khám phá metaverse. KB Kookmin Bank, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất ở Hàn Quốc, đã tạo ra một thành phố ảo với một ngân hàng ảo, nơi khách hàng có thể truy cập thông tin tài chính được cá nhân hóa và tương tác trực tiếp với các cố vấn tài chính của mình bằng cách sử dụng thực tế ảo.
Tại Singapore, J.P. Morgan đã công bố phòng chờ Onyx của mình trong metaverse, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới, ngoại hối, tạo tài sản tài chính, giao dịch và bảo quản tài sản trong metaverse. DBS gần đây cũng đã mua một vùng đất ảo 3x3 trong The Sandbox, một môi trường trò chơi ảo phi tập trung được xây dựng trên Ethereum, cho dự án DBS BetterWorld đã được lên kế hoạch của mình.
Nicole Bodack, giám đốc điều hành thị trường vốn, thị trường tăng trưởng cho Accenture cho biết: “Sự gia tăng đột biến của các dự án metaverse giữa các ngân hàng cho thấy, các ngân hàng rất hứng thú trong việc khám phá tiềm năng biến đổi của công nghệ, ngay cả khi hình thái cuối cùng có thể vẫn còn rất khó để hình dung ra.
“Các ngân hàng nên chuẩn bị sẵn sàng để quan sát một quỹ đạo tương tự đối với ngân hàng di động – đã phải mất 5 năm để nên thông dụng hoàn toàn trong hoạt động ngân hàng. Khi chúng ta bước ra ngoài khuôn khổ của 2D sang 3D, chúng ta có thể thiết kế một vũ trụ mở rộng với khả năng thu hút khách hàng," Bodack nói.
Trải nghiệm thiết kế
Sự phát triển của thế giới ngân hàng từ 2D và 3D giải thích chính xác cách nó đã đạt đến điểm mà ở đó metaverse được coi có thể là một nền tảng ngân hàng.
“Nếu chúng ta nghĩ lại về các dịch vụ ngân hàng cho đến những năm 80, chúng đều dựa trên cơ chế tương tự. Mô hình kinh doanh tập trung vào tương tác trực tiếp giữa con người với nhau, xây dựng niềm tin và mối quan hệ với khách hàng tại một chi nhánh thực. Cho đến thời điểm hiện tại, trọng tâm đã chuyển từ ATM sang ngân hàng trực tuyến rồi sang ngân hàng kỹ thuật số, hướng tới tăng cường phân phối và giảm tiếp xúc," Sommerin và Leung cho biết.
Tuy nhiên, một nhược điểm của việc chuyển sang kỹ thuật số là các tương tác bên lề của con người giảm đi, thay vào đó là các dịch vụ như chatbot hoặc trả lời tự động. Sự cá nhân hóa này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến một yếu tố ngày càng quan trọng trong việc mang lại một hành trình ngân hàng thỏa mãn cho khách hàng: trải nghiệm của khách hàng.
Theo các nhà phân tích, metaverse có thể thu hẹp khoảng cách này.
“Nói một cách đơn giản, metaverse về mặt khái niệm có thể là một giao diện nhập vai cho thế giới web3.0. Nó mang đến một cơ hội duy nhất để các ngân hàng thử nghiệm, mang lại những tương tác giữa con người với nhau vốn đã bị lãng quên. Sommerin và Leung cho biết: “Với phân tích dữ liệu và thiết kế dịch vụ, các tổ chức tài chính sẽ có thể cung cấp khả năng siêu cá nhân hóa toàn diện để xây dựng lại và củng cố mối quan hệ với khách hàng cũng như giá trị lâu dài trong kênh ảo mới ra đời này”.
Đồng quan điểm, Bodack cũng cho rằng, “trong thế giới siêu kết nối mà chúng ta đang sống ngày nay, chúng ta vẫn bị ngắt kết nối theo nhiều cách. Lấy ngân hàng làm ví dụ. Mặc dù đã được hoàn thiện về mặt chức năng, nhưng hầu hết các tương tác đều mang tính chất giao dịch,” đồng thời bà cho biết thêm, một khách hàng có thể có trải nghiệm thú vị hơn với đại diện dịch vụ hoặc một tư vấn viên có hình đại diện chân thực, hơn là với màn hình phẳng của ứng dụng trò chuyện hoặc thậm chí là cuộc gọi video.
“Trong một siêu thế giới như vậy, các ngân hàng có thể tập hợp mọi người, không gian và đồ vật trong cả thế giới ảo và thực, đồng thời gợi lên cảm giác cộng đồng giữa các khách hàng của mình. Các ngân hàng có thể thêm chiều thứ ba và cảm giác hiện diện của con người vào trải nghiệm ngân hàng kỹ thuật số để mang lại cảm giác cá nhân hơn cho các tương tác khách hàng ảo và từ xa," Bodack nói.
Bà cũng nói thêm, metaverse đã tạo ra một con đường thay thế để bắt đầu hành trình khám phá nhằm xác định lại trải nghiệm dịch vụ tài chính - đặc biệt nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z.
“Các ngân hàng cũng có thể giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới bằng cách khai thác nền kinh tế đang phát triển của metaverse để mở rộng thương hiệu của họ bằng cách cung cấp dịch vụ bảo hiểm và cho vay đối với các tài sản kỹ thuật số bao gồm tiền điện tử, NFT và bất động sản ảo,” bà nói.
Thách thức
Vẫn còn trong giai đoạn sơ khai là điều mang lại tiềm năng cho metaverse, nhưng điều đó cũng có nghĩa là các công ty – và đặc biệt là các ngân hàng – muốn khám phá không gian sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đầu tiên là công nghệ riêng của các ngân hàng. “Để đạt được tiến bộ trong việc thể chế hóa một phần hoặc toàn bộ lĩnh vực này và để đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, các ngân hàng và tổ chức tài chính sẽ cần nâng cấp nền tảng công nghệ hiện tại của họ hoặc hợp tác với các tổ chức Fintech để chuẩn bị cho tương lai. Các tổ chức tài chính lớn trên toàn cầu chạy trên các nền tảng cũ sẽ mất nhiều nhất nếu họ không nâng cấp các nền tảng cốt lõi của mình và quyết định bỏ qua những đột phá tiềm tàng mà các công nghệ mới nổi này có thể mang lại," Leung và Sommerin cảnh báo.
Bodack cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư và khách hàng có thể cảm thấy việc mua đất ở Decentraland là không ổn định và đắt đỏ.
Rủi ro danh tiếng cũng cần được xem xét.
“Đối với metaverse, nó khá giống với mạng xã hội hoặc tương tác trong thế giới thực. Metaverses có thể khiến các thương hiệu, bao gồm cả ngân hàng, gặp phải nhiều rủi ro về uy tín và pháp lý. Bản chất hoặc mức độ của những rủi ro này có thể khó dự đoán ở giai đoạn đầu này vì metaverse là một khái niệm khá mới đối với các ngân hàng," Bodack nói.
Bodack khuyên các ngân hàng thám hiểm vào không gian để xem xét các vấn đề đã tồn tại trong thế giới thực và cách họ sẽ xử lý chúng trong metaverse. Chúng bao gồm các vấn đề về lạm dụng và quấy rối trên internet, rửa tiền và gian lận, cũng như rủi ro về quyền riêng tư và dữ liệu.
“Đây là thời điểm quyết định đối với các ngân hàng. Mối quan tâm của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng hiện nay về quyền riêng tư, sự thiên vị, sự công bằng và tác động đến con người của các nền tảng kỹ thuật số sẽ trở nên gay gắt hơn khi metaverse tiếp tục làm mờ ranh giới giữa cuộc sống vật lý và kỹ thuật số".
Một yếu tố khác cần xem xét là tài sản mã hóa, một phần không thể thiếu của hầu hết các metaverse. Ví dụ: Sandbox, mà cả DBS và Standard Chartered gần đây đã hợp tác cho bước đột phá đầu tiên của họ vào metaverse, được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum.
“Việc áp dụng rộng rãi các tài sản mã hóa trong một metaverse được phát triển đầy đủ có thể gây ra rủi ro hệ thống đối với sự ổn định tài chính”. Bodack cho biết, khối lượng giao dịch tiền mã hóa càng lớn thì tác động tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính trong thế giới thực càng lớn nếu giá cả sụp đổ.
Bà cảnh báo, trong một metaverse mở, nền tảng càng phát triển thì càng có nhiều rủi ro từ tài sản mã hóa, có thể gia tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính của hệ thống. “Do đó, điều quan trọng đối với các cơ quan quản lý là giải quyết rủi ro từ việc sử dụng tài sản mã hóa trong metaverse trước khi chúng đạt đến trạng thái hệ thống.”
Cuối cùng, ngân hàng cần cân nhắc để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, và thực hiện các bước cẩn thận để đảm bảo sự ổn định trong khi định vị chính mình ở vị trí dẫn đầu sau khi lợi ích của metaverse được khai thác.
“Metaverse đang tiếp cận nhanh chóng với các tiện ích hiện tại và tương lai. Leung và Sommerin cho biết, không cần tìm đâu xa hơn, hàng loạt bằng sáng chế và hồ sơ nhãn hiệu metaverse, được thực hiện bởi một số nhà cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán hàng đầu thế giới, như một minh chứng cho tiềm năng chiến lược mà các công ty hiện thấy trong "thương mại metaverse".
Và khi các công nghệ XR hội tụ với các dịch vụ truyền thống, đồng thời tốc độ tích hợp và áp dụng tăng lên, Capco kỳ vọng thương mại metaverse sẽ là một nguồn doanh thu để các công ty cất cánh và trải nghiệm sự tăng trưởng theo cấp số nhân.
Các nhà phân tích kết luận: “Tất cả điều này chỉ ra lý do tại sao các tổ chức tài chính cần xem xét metaverse trong các chiến lược đa kênh của mình trong tương lai”.