A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung xử lý ngân hàng yếu kém: SCB tiếp tục “vào tầm ngắm”

Đến năm 2025, ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra mới đây đó là khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB.

Tại Nghị quyết 31/NQ-CP mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đây được coi là những quyết sách để nền kinh tế lành mạnh.

Những ngân hàng yếu kém tại Việt Nam bao gồm các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt gặp khó khăn về thanh khoản dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và “ngân hàng 0 đồng” là những ngân hàng bị âm vốn, không thể tái cơ cấu được và bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Khẩn trương tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhất là SCB. Ảnh minh hoạ

Khẩn trương tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhất là SCB. Ảnh minh hoạ

Hiện 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) trong diện kiểm soát đặc biệt và 3 ngân hàng (được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các ngân hàng lớn điều hành) là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Riêng với SCB, từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa tổ chức tín dụng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng Xăng dầu (PGBank) cũng thuôc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng Công ty Xăng dầu - Petrolimex không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Việc xử lý các hàng yếu kém đã có bước tiến lớn. Sau khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo, thì DongABank được HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ. VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPBank.

Dòng tiền tươi, năng lực quản trị vững chắc của những ngân hàng khỏe cộng với sự hỗ trợ của cơ chế đang là cơ hội để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.

Lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh.

Theo tính toán, MB chỉ mất 7 - 8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc, sau đó sẽ được xử lý theo 3 phương án: Sáp nhập vào MB, bán cho nhà đầu tư khác, hoặc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để thành lập một ngân hàng mới.

Hay như HDBank, 10 năm về trước, ngân hàng này nhanh chóng sáp nhập thành công DaiABank. Ngay sau đó, HDBank tiếp tục mua lại một công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, tái cơ cấu và tạo thương vụ đáng chú ý trên thị trường với đối tác Nhật Bản.

Riêng với SCB, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng đánh giá: “Sự cố SCB là chưa từng có tiền lệ, nhưng Chính phủ, NHNN đã có các chỉ đạo kịp thời để ổn định tình hình. Ngay từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến nay NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB”.

Trao đổi thêm về nội dung này, tại họp báo quý I của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và tháo gỡ cho ngân hàng SCB, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay, SCB hoạt động bình thường trong điều kiện kiểm soát đặc biệt. Tiền gửi của người dân vẫn đang tiếp tục được bảo vệ, với tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.

Tạo đột phá mới cho mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB. Chính phủ cho biết, năm nay sẽ tập trung triển khai, nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

NHNN đang tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng lớn mua lại hay sáp nhập các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ những ngân hàng này cũng như để tránh những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng.

Trước mắt, NHNN đã định hướng các NHTM tham gia tái cơ cấu vì mục tiêu và lợi ích chung, sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn về tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là các cơ chế tạo điều kiện tốt nhất để tái cơ cấu thành công.

Mặc dù không dùng ngân sách Nhà nước cho tái cơ cấu và xử lý nợ xấu song Quốc hội đã tạo khung khổ pháp lý, cơ chế hỗ trợ quan trọng, có tính quyết định như Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và sau đó là Luật sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2017 với những điểm mới, tạo cơ chế thuận lợi cho công cuộc tái cơ cấu.

Ví dụ, chính sách cho vay tái cấp vốn lãi suất 0%; tạo điều kiện cho phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro… Đặc biệt, điểm khác biệt quan trọng nhất so với giai đoạn trước là cơ chế mới đã thiết lập mô hình "ngân hàng trong ngân hàng".

Theo đó, ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc được hạch toán báo cáo tài chính riêng, thay vì hợp nhất với ngân hàng nhận chuyển giao mà qua đó có thể níu kéo khó khăn chung. Điều này vừa tạo "vùng an toàn" vừa tăng thêm động lực để bên nhận chuyển giao chủ động khi tham gia tái cơ cấu.

Các NHTM tham gia tái cơ cấu ngân hàng không chỉ được NHNN xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn, mà có thể được nới trần “room ngoại” (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng) lên 49% - so với mức 30% hiện nay.

Một hệ thống NHTM an toàn hơn, vững mạnh hơn sẽ càng phát huy vai trò huyết mạch, cộng hưởng và lan tỏa các giá trị cho nền kinh tế.

Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đi vào giai đoạn ổn định, nên việc xử lý ngân hàng yếu kém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong giai đoạn này. Đây là nền tảng cơ bản để kinh tế phục hồi và phát triển, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội