A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể

Với vai trò, trách nhiệm được giao, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiệm vụ bằng những hành động cụ thể, nhằm trực tiếp mang lại kết quả thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn.

Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể

Về mặt chính sách và giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023, việc thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm của ngành Ngân hàng đã được cụ thể hóa bằng hệ thống nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, toàn diện tại Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Trung ương (NHTW). Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả trên thực tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của mỗi tổ chức, đơn vị: cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh và từng tổ chức tín dụng, với cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế địa bàn và gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Với vai trò, trách nhiệm được giao, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiệm vụ này bằng những hành động cụ thể, nhằm trực tiếp mang lại kết quả thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức:

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng giải pháp tín dụng, lãi suất: Theo đó, các TCTD trên địa bàn đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để cho vay với lãi suất thấp, với quy mô từ trăm tỷ đồng đến cả ngàn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho khách hàng của ngân hàng. Đồng thời, chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên của NHTW; cho vay kích cầu đầu tư của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay, sau gần 2 tháng, tổng doanh số hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đạt: 469 nghìn tỷ đồng. Trong đó giảm lãi suất cho vay: 300 nghìn tỷ đồng; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp: 100 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ: trên 9 nghìn tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói này tại địa bàn đạt trên 15 nghìn tỷ đồng). Thông qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, vượt qua khó khăn tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố.

Tổ chức tốt chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, gắn với cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của NHTW, của Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như phát huy hiệu quả của chính sách. Hoạt động này là hành động cụ thể thiết thực và mang lại lợi ích toàn diện: cho doanh nghiệp, ngân hàng và tăng trưởng kinh tế. Bởi đạt được 3 mục tiêu: thứ nhất, thông qua chương trình này, thực thi chính sách và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi của các TCTD; thứ hai, đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thứ ba, phát triển dịch vụ ngân hàng và truyền thông chính sách. Theo đó chương trình này sẽ được thực hiện theo kế hoạch năm và giải ngân gói tín dụng ưu đãi của các TCTD, thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ…

Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, chương trình được tổ chức thực hiện trong năm 2023, bắt đầu bằng hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp, với chủ đề: “Ngành Ngân hàng đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thành phố phát triển”. Hội nghị sẽ tổ chức vào ngày 28/2/2023 với sự tham dự của 400 doanh nghiệp. Hội nghị gồm 2 nội dung chính là đối thoại doanh nghiệp và ký kết cho vay vốn.

Có thể nói, đây là những hành động cụ thể của ngành Ngân hàng nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, là giải pháp hiệu quả, thiết thực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, bởi lẽ nó đúng với ý nghĩa của chương trình: sự kết nối, sự chia sẻ và trách nhiệm thực thi của TCTD.

Cải cách hành chính, tiết giảm chi phí và cung cấp dịch vụ tiện ích, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là những việc làm thường xuyên gắn với yêu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, song cũng là trách nhiệm của mỗi TCTD để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động… những yếu tố nền tảng, cơ sở để các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Hành động cụ thể này mang lại ý nghĩa rất to lớn, bởi lẽ tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển dịch vụ ngân hàng không chỉ mang lại sự tăng trưởng ổn định, bền vững cho TCTD mà còn là giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất hoàn toàn khả thi và chủ động được từ các TCTD, hành động này ít phụ thuộc vào chính sách hơn, do đó chủ động hơn và linh hoạt hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội