Ngân hàng Thế giới: "Các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài"
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo đó, WB cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết và giải ngân vẫn ở mức cao, tương ứng đạt 20,2 tỷ USD và 15,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, theo WB, cam kết FDI lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023 lên tới 20,2 tỷ USD, tăng 31% so cùng kỳ năm 2022. Giải ngân lũy kế vốn FDI đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3% so với một năm trước đó. Sản xuất côngnghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực chính thu hút cam kết FDI vào Việt Nam.
Theo WB, bên cạnh lòng tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của đất nước (bất chấp sự bất định toàn cầu trong ngắn hạn), Việt Nam dường như còn được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư "Trung Quốc +1".
"Các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu", WB nhận xét.
WB cũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,3% (so cùng kỳ năm ngoái 4,1%) trong QIII/2023 do sản xuất công nghiệp dần phục hồi, phản ánh sự cải thiện trong xuất khẩu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hàng quý giảm nhẹ xuống 2,95% trong quý III; từ mức 3,08% trong quý II.
Khu vực dịch vụ vẫn là khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng (đóng góp 2,7 điểm phần trăm) trong quý III/2023. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ hàng hóa vẫn ở mức khoảng 50% (6,6% so với cùng kỳ trong quý III/2023) so với thời kỳ trước COVID-19 (13-14% so với cùng kỳ), doanh số bán dịch vụ vẫn duy trì ở mức ổn định (9,5%) nhờ sự quay trở lại của khách du lịch quốc tế. Đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành tăng nhanh lên 1,9 điểm phần trăm trong quý III, so với mức tương ứng 0,8 và 0,1 điểm phần trăm trong quý II và quý I.
Xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục giảm tương ứng 1,2% (so cùng kỳ) và 5,0% (so cùng kỳ) trong quý 3/2023. Tuy nhiên, mức độ thu hẹp này nhẹ hơn nhiều so với hai quý trước, do hiệu suất hàng tháng liên tục được cải thiện - bao gồm cả xuất khẩu nông sản, dệt may, điện tử, điện thoại thông minh và vật liệu xây dựng.
Lạm phát toàn phần tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% (so cùng kỳ) trong tháng 9 - tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8. Lạm phát tiếp tục tăng bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở, cộng thêm áp lực lạm phát từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4,0% (so cùng kỳ) trong tháng 8 xuống còn 3,8% (so cùng kỳ) trong tháng 9.
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng 8 năm 2023 xuống còn 8,7% (so cùng kỳ), trong tháng 9 phản ánh tình trạng đầu tư tư nhân (bao gồm cả lĩnh vực bất động sản) tiếp tục chậm lại.
Ngân sách bị thâm hụt trong 9 tháng đầu năm 2023. Thu ngân sách giảm 7,8% (so với cùng kỳ) trong khi việc thực hiện ngân sách tăng 14,1% (so cùng kỳ), dẫn đến mức thâm hụt nhỏ là 0,7 tỷ USD (0,3% GDP). Giải ngân đầu tư công trong giai đoạn này tăng 45,3% (so cùng kỳ) nhưng vẫn chỉ đạt 48% kế hoạch vốn ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2023.
"Trong khi tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý III/2023 nhờ xuất khẩu dần phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Cùng đó, xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ", WB khuyến nghị.
Trong thời gian tới, theo WB, những nỗ lực tiếp tục thực hiện đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Một danh mục đầu tư chiến lược và được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng chống chịu và hạ tầng liên vùng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.
Cùng đó, WB cho rằng, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao). Việc làm này sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.
Theo Thanh Thúy
Nhà đầu tư