A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo ngại tình trạng sở hữu chéo Ngân hàng - BĐS thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào sân sau

Theo Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

 

Lo ngại tình trạng sở hữu chéo Ngân hàng  - BĐS thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào sân sau

Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) vừa công bố báo cáo nghiên cứu "Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý với thị trường bất động sản".

Trong đó, các chuyên gia VIRES cho rằng, mục tiêu nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp thời gian qua đã tốt dần lên, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng. Vấn đề nằm ở khâu cho vay của các tổ chức tín dụng hay nằm ở đầu ra của nền kinh tế?

Sau khi phân tích một số yếu tố như thanh khoản hệ thống ngân hàng cùng điều kiện cho vay (vẫn được duy trì), năng lực hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp (suy yếu) và lãi suất (vẫn còn chịu nhiều ràng buộc), các chuyên gia kết luận, chính sách tiền tệ thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, lỗi không nằm ở chính sách tiền tệ.

"Không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều nếu không muốn nói là chính sách tiền tệ đang quá sức", VIRES đánh giá. 

Thực tế, các số liệu về tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã cho thấy thực trạng của các doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay đã vượt khả năng của chính sách tiền tệ. Sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đó cũng không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành ngân hàng.

Do đó, VIRES đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm hóa giải nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn.

Thứ nhất là tăng cường mở rộng tài khóa, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ. Cụ thể, với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, muốn chính sách tiền tệ có hiệu quả thì trước tiên phải tiếp tục mở rộng tài khóa, tạo được việc làm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hoạt động, người dân có việc làm thì mới có thể lưu thông tiền tệ, ngược lại, sẽ khiến tiền tồn kho trong ngân hàng, trường hợp xấu hơn còn làm tăng lạm phát .

Thứ hai là cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chỉ phát huy hiệu quả khi và chỉ khi các doanh nghiệp được gỡ bỏ các rào cản về thủ tục đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba là giải quyết những vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng, đặc biệt là tình trạng "sở hữu chéo".

Theo các chuyên gia VIRES, giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa (thông qua giảm thuế, phí; tăng chi tiêu công; kích cầu nội địa) kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ (thông qua giảm lãi suất điều hành) chỉ phát huy hiệu quả và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế khi và chỉ khi chính sách tiền tệ phải điều tiết hợp lý, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, kết hợp giám sát và minh bạch dòng chảy tín dụng, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và giữ vững an toàn hệ thống.

Tại các ngân hàng thương mại, hầu hết khoản gửi tiết kiệm của người dân đều có kỳ hạn ngắn. Nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn. Do vậy phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài. Hoạt động này tiềm ẩn rủi ro lớn đối với thanh khoản hệ thống ngân hàng.

NHNN đã đề ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. VIRES cho rằng với tính chất của một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, việc giảm dần tỷ lệ này là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, để tránh đổ vỡ dây chuyền trong bối cảnh nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực có tính đầu kéo như bất động sản còn nhiều khó khăn và không triệt tiêu cơ hội phục hồi của doanh nghiệp, cần hướng đến "nắn dòng" tín dụng thay vì "ngăn sông".

Do đó, theo các chuyên gia, không nên áp dụng chính sách siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chung cho toàn thị trường, mà phải có chính sách riêng cho từng phân khúc, từng thời điểm và thậm chí là từng nhà đầu tư.

Để có cơ sở "nắn" dòng vốn tín dụng, chuyên gia VIRES cho rằng cần khẩn trương xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường làm cơ sở xem xét áp dụng hệ số rủi ro phù hợp, thay vì đánh đồng ở mức 200% như hiện nay.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát mục đích sử dụng vốn để vốn tín dụng đi vào phân khúc, dự án lành mạnh, bền vững, đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, tránh tình trạng dòng chảy tín dụng đi sai hướng.

Trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực có độ rủi ro cao (như bất động sản) với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào "sân sau", sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Luật các tổ chức tín dụng đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp tục quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông từ tổ chức, giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15% tại Dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Do đó, VIRES cho rằng để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Cụ thể, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu.

Bên cạnh đó, kiểm soát tình trạng sở hữu chéo hiện nay đòi hỏi nhiều hơn năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay, đặc biệt là giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản của NHNN.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội