A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp nhỏ thu không đủ trả lãi

Không chỉ có người dân vay mua đất, làm nhà mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang xoay sở đủ kiểu để trả lãi suất ngân hàng trong giai đoạn này. Đặc biệt, với doanh nghiệp, tình hình kinh tế khó khăn, dự án, đơn hàng, đối tác có khi cũng bị tạm dừng. Dòng tiền đứng, nhiều chủ doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì thu không đủ trả lãi.

Toát mồ hôi với tiền lãi ngân hàng

Chị Trần Quỳnh Trâm (trú TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết, năm 2022, doanh nghiệp của chị ban đầu vay 4 tỉ đồng với lãi suất 7,5%/năm để mua xe chở vật liệu xây dựng, phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh. Hàng tháng, doanh nghiệp trả 25 triệu tiền lãi. Đây là mức vay ưu đãi của ngân hàng có vốn nhà nước cho doanh nghiệp.

Cùng năm, chị Trâm tiếp tục mua thêm xe và vay cá nhân 1,5 tỉ đồng bằng tài sản thế chấp ở một ngân hàng thương mại, lãi suất là 9%. Thế nhưng cận Tết Nguyên đán vừa qua, khi đáo hạn khoản vay này thì lãi suất đã tăng lên 17%. Điều này đồng nghĩa từ 11 triệu đồng tiền lãi hàng tháng, nay chị Trâm phải trả 21,5 triệu đồng/tháng chỉ riêng khoản vay cá nhân.

Như vậy, tổng tiền lãi trả là khoảng 46 triệu đồng/tháng và hoàn toàn chỉ trả lãi chứ không trả gốc. “Làm ăn kinh doanh thì luôn phải nợ, chúng tôi xác định như vậy khi mở công ty, nhưng lãi suất tăng cao, chưa kể khoản vay doanh nghiệp cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết hạn lãi suất ưu đãi, sẽ thả nổi theo thị trường thì không biết mức tiền lãi sẽ tăng đến bao nhiêu nữa” – chị Trâm cho hay. 

Cùng góp vốn cho một công ty xây dựng, anh Nguyễn Văn (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng đang đau đầu vì khoản tiền lãi ngân hàng hơn 20 triệu đồng/tháng. Năm 2020, anh Văn vay thế chấp mảnh đất tại Đà Nẵng với số tiền 1,5 tỉ đồng để góp vốn cùng bạn bè mở công ty với lãi suất 9%/năm. Đầu năm 2023, mức lãi suất tăng lên gần 14%.

 

 Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khi đối diện kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng. Ảnh minh họa: Nguyễn Minh

“Dù khoản vay không nhiều so với một doanh nghiệp nhưng vì là khoản vay cá nhân nên tôi đang phải trả tiền lãi bằng thu nhập hàng tháng của mình. Nếu sơ sẩy trong tháng đó không có việc, dự án bị đứng thì coi như không đủ tiền trả nợ, trả lãi ngân hàng” – anh Văn nói.

Kinh tế gặp khó, thu không đủ trả lãi

Chị Trâm chia sẻ, việc trả lãi ngân hàng là câu chuyện bình thường với người làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề kéo theo khi lãi suất ngân hàng tăng cao là chủ đầu tư – doanh nghiệp đối tác cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.

“Hoặc là ngân hàng không cho họ vay, có nơi cho vay thì lãi suất quá cao. Họ tính toán nếu vay ngân hàng làm dự án xong không thu được lời nên dừng hẳn dự án. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải xây dựng như chúng tôi cũng không có việc làm. Xe cộ không chạy được, công ty không có dòng tiền để trả lãi hay làm bất cứ việc gì” – chị Trâm chỉ rõ.

Trước thực tế đó, qua khảo sát tình hình, doanh nghiệp của chị Trâm cũng tính toán trong vòng 1 đến 2 tháng nữa, hy vọng các dự án sẽ chạy được, công ty có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu dự án không chạy thì cũng cần có phương án trả hết khoản nợ bên vay cá nhân vì lãi suất quá cao mà chờ không biết đến khi nào lãi suất giảm.

“Hiện nay, hai vợ chồng tôi đang làm 4, 5 việc cùng lúc để có thể trả lãi ngân hàng đúng hạn và đợi dự án. Nếu không gồng được nữa, dự án không chạy thì buộc chúng tôi phải cắt lỗ bằng cách bán xe. Lãi ngân hàng quá cao, lợi nhuận kinh doanh 5 đến 10% thì dòng tiền xoay sở không kịp, doanh nghiệp không có lời, thậm chí là chịu lỗ. Đây cũng là tình hình chung của nhiều người. Năm vừa qua, không ít doanh nghiệp phá sản vì kẹp giữa kinh tế khó khăn và lãi suất ngân hàng tăng” – chị Trâm nói.

Trong khi đó, với doanh nghiệp của anh Văn đang góp vốn. Nếu những năm qua công ty duy trì hoạt động cũng đủ lo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động với mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng thì gần 1 năm nay, khi các dự án bị đứng, công ty đang phải chuyển qua hoạt động kinh doanh thực phẩm để có nguồn thu khác.

“Chúng tôi cũng cố gắng tìm nhiều cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Riêng với khoản tiền vay cá nhân, trước Tết Nguyên đán vừa qua tôi đã xoay tiền để trả bớt 500 triệu đồng nhằm giảm số tiền lãi hàng tháng. Bớt được chút gánh nặng lãi ngân hàng, tôi có tinh thần tìm cách vực dậy doanh nghiệp” – anh Văn cho hay.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội