A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệp hội Ngân hàng làm việc với Bộ Tư pháp nhằm rà soát vướng mắc, khó khăn trong quy định pháp luật

Chiều ngày 15/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp để trao đổi, nắm bắt về khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất phương án xử lý.

 

img_3948.jpeg

Toản cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Tư pháp có: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú; ông Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.

Về phía Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam có: bà Vũ Ngọc Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; bà Nguyễn Thị Phương - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng.

Cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng hội viên.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ vinh dự được đón tiếp đoàn làm việc của Bộ Tư pháp đến để lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng. “Đây là một nội dung mà chúng tôi đánh giá là hết sức quan trọng và cấp thiết, bởi các quy định pháp lý có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

img_3945.jpeg

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, rất nhiều quy định, chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại được ban hành..., trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đất đai, đầu tư, xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục hành chính, và các quy định pháp luật liên ngành khác. Điều này khiến quá trình triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn và bất cập. Bên cạnh những quy định đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây trở ngại cho hoạt động tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Nhận thấy có những quy định cần sớm được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tiếp thu những kiến nghị xác đáng, chia sẻ, hỗ trợ ngành Ngân hàng kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng trình bày tại cuộc họp

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng đã trình bày những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các TCTD, trong đó nhấn mạnh đến một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật hoặc giữa các văn bản quy phạm pháp luật và một số quy định không rõ ràng, các cách hiểu khác nhau, không khả thi tại Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật đất đai 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Thi hành án, Luật các TCTD 2024...

Cuộc họp ghi nhận một số ý kiến đóng góp thêm của một số TCTD hội viên liên quan đến các quy định về giấy phép đăng ký kinh doanh, thu thập giấy tờ chứng minh mục đich; quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nghiệp vụ ngân hàng lưu ký chứng khoán...

Trao đổi tại cuộc họp, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao hàm lượng thông tin được đưa ra tại cuộc họp, đây là những thông tin phản ánh sát thực tế hoạt động và các khó khăn vướng mắc mà TCTD đang gặp phải. Đại diện Vụ Pháp chế đồng thời chia sẻ và cung cấp thêm một số thông tin để các bên cùng nắm rõ, liên quan đến vấn đề đăng ký kinh doanh, hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm, quản lý tài sản bảo đảm, thuế giá trị gia tăng, điều khoản chuyển tiếp trong Luật Kinh doanh bất động sản...

“Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nếu các TCTD có thêm ý kiến, đề nghị tiếp tục gửi về Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi kịp thời rà soát và điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp từ thực tiễn để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn”, bà Vũ Ngọc Lan nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho rằng, mặt pháp luật và pháp chế, từ kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, không có hệ thống pháp luật nào trên thế giới hoàn toàn tránh khỏi tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn hoặc thiếu đồng bộ, ngay cả ở những quốc gia có truyền thống pháp lý lâu đời. Điểm mấu chốt là phải có cơ chế để xử lý linh hoạt, hợp lý trong từng tình huống cụ thể, biết cách lựa chọn quy phạm nào có hiệu lực ưu tiên, cách giải thích pháp luật ra sao để đảm bảo tính hợp lý và đúng tinh thần luật pháp.

img_3947.jpeg

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc họp

Chia sẻ tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở và những thông tin thiết thực từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như các tổ chức tín dụng, đồng thời khẳng định mục đích của buổi làm việc không chỉ để ghi nhận, mà là để phối hợp chặt chẽ, cùng đi đến tận cùng vấn đề và tháo gỡ thực chất.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục tổng hợp kiến nghị theo hướng đúng, trúng, có căn cứ rõ ràng và đặt trong bối cảnh tổng thể của hệ thống pháp luật, vì lợi ích chung, tránh đề xuất mang tính cục bộ. Các vướng mắc cần được phân loại theo 3 nhóm: mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; quy định không rõ ràng gây khó khăn khi thực thi; các quy định tạo gánh nặng tuân thủ hoặc không thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển.

Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội Ngân hàng gửi bản tổng hợp kiến nghị trong thời gian sớm nhất để kịp thời gian báo cáo lên cơ quan thẩm quyền cấp trên. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội thảo chính thức với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan nhằm rà soát, sàng lọc, hoàn thiện kiến nghị và trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ sự đồng tình và tiếp thu toàn bộ chỉ đạo, gợi ý của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng sẽ khẩn trương tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị từ hội viên, phân loại rõ ràng theo các nhóm: các vướng mắc do quy định pháp luật ở cấp luật và nghị định, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của TCTD; các vấn đề trong quá trình thực thi pháp luật do cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất; và các khó khăn tiềm ẩn trong quá trình triển khai thời gian tới khi các luật mới ban hành.

Đối với các nội dung liên quan đến thông tư hướng dẫn, Hiệp hội Ngân hàng đã và đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhằm phản ánh các khó khăn cụ thể từ thực tiễn triển khai, đồng thời sẽ tổ chức làm việc riêng với cả tổ chức hội viên để tiếp tục thu thập ý kiến, bảo đảm kiến nghị đưa ra có tính thuyết phục và đúng thực chất.

Thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng gửi lời cảm ơn chân thành đến Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, đại diện các cơ quan Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và toàn thể đại biểu đã dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng Hiệp hội trong nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội