HDBank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc, góp tối đa 9 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng yếu kém
HDBank đang cho thấy định hướng khá rõ ràng trong việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Sẽ góp tối đa 9 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ ngân hàng yếu kém
Ngày 12/8/2022, HDBank công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là sự tham gia của ngân hàng vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) với tổng giá trị phát hành dự kiến là 900 triệu USD.
Khác với đề xuất gần đây của Vietcombank và MBB đã trình tại Đại hội cổ đông và không có việc góp vốn vào các ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.
HDBank cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Như vậy, HDBank đang cho thấy định hướng khá rõ ràng trong việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của NHNN.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã đề xuất phát hành EMTN với tổng giá trị 900 triệu USD (kỳ hạn 3 đến 10 năm) trong giai đoạn 2022 - 2024. Trái phiếu dự kiến sẽ được phát hành cho các nhà đầu tư quốc tế và niêm yết trên SGX.
Lợi ích ròng kỳ vọng sẽ đến chậm hơn
Trong báo cáo cập nhật về HDBank, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng không loại trừ khả năng một phần số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc góp vốn vào ngân hàng mục tiêu và/hoặc để chuẩn bị cho việc hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian tới khi tham gia vào chương trình tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
"Mặc dù thông tin về ngân hàng mục tiêu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc HDBank dự kiến góp trước 9 nghìn tỷ đồng và tích cực huy động vốn trên thị trường vốn trong vài năm qua, chúng tôi nhận định rằng HDBank có thể đang đàm phán các điều khoản (lợi ích) tốt hơn của thương vụ này, hoặc ngân hàng mục tiêu, trong trường hợp này, thực sự có tình hình tài chính và/hoặc mạng lưới chi nhánh/tiền gửi khách hàng tốt hơn so với ba ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại", chuyên gia SSI Research nhận định.
Hiện trong số ba ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, OceanBank và CBBank đã có phương án xử lý chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng thương mại lớn là MB và Vietcombank. Do đó, nhiều khả năng ngân hàng mà HDBank nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là GPBank.
Về nội dung cơ bản của việc nhận chuyển giao bắt buộc, sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng mục tiêu với HDBank, trừ khi kế hoạch tái cơ cấu thành công.
Thứ hai, khoản góp vốn/đầu tư cổ phần/các khoản vay đối với ngân hàng mục tiêu sẽ được loại ra khi tính hệ số CAR và trích lập dự phòng.
Thứ ba, chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc bị ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của NHTM được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện Phương án nhận chuyển giao bắt buộc.
Thứ tư, HDBank được NHNN ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm. Và cuối cùng, các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp từ NHNN cho ngân hàng mục tiêu, v.v.).
Quan sát các đề xuất gần đây liên quan đến việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, SSI Research cho rằng cần phải có những ưu đãi đủ lớn để các ngân hàng khỏe có những động lực tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu. Do đó, các chuyên gia giữ quan điểm khá tích cực đối với những giao dịch tiềm năng này. Tuy nhiên, với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ việc HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có thể sẽ đến chậm hơn so với trường hợp của Vietcombank và MBB.
Theo Trấn Thúy
BizLive