A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Hơn 1.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay

Thông tin này được bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết tại hội thảo sáng nay 25/7.

Cụ thể, ngân hàng Agribank cam kết cho vay một dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP.HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng, còn BIDV đã cấp tín dụng 1 dự án tại Phú Thọ với số tiền khoảng 95 tỷ đồng.

NHNN cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà...tiếp cận tín dụng thông qua việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Đây là gói tín dụng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Hơn 1.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay - Ảnh 1.

Sẽ có thêm các dự án nhà ở xã hội được cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Đối với các lĩnh vực khác, NHNN mới đây chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình cho vay đối với lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính NHTM với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng.

Ngoài ra, tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê...

Đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng, các cấp các ngành, các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Hiện tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022” .

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Hơn 1.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay - Ảnh 2.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú.

Ông Tú cũng cho biết, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh được những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn.

Tăng lãi suất hay giảm lãi suất? Cung tiền ra nhiều hay ít? Làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng? Hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia…đều là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý và điều hành.

"Đây là nhiệm vụ rất khó của Ngân hàng Nhà nước. Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát... ”, ông Tú nói.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Bàn về sức cầu nền kinh tế yếu, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng/Tài chính của World Bank, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam nhận định

“Hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không có nhu cầu vay. Tình trạng sức cầu yếu cần được xử lý thông qua chính sách kích thích tổng cầu, đẩy mạnh đầu tư công” , ông nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội