A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ thế kẹt phát hành trái phiếu cho ngân hàng

Thay vì áp dụng chung cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nên đưa ra chỉ tiêu phù hợp đối với hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng. Phải tách bạch quy định giữa doanh nghiệp tài chính và phi tài chính.

Vướng cơ chế, phát hành trái phiếu riêng lẻ của ngân hàng đóng băng

Theo thống kê Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong tháng 3/2023, có 11 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng. Con số này tăng gấp 13,2 lần tổng khối lượng phát hành của tháng 2/2023. Đáng nói là hơn 88,6% lượng TPDN phát hành mới là của doanh nghiệp BĐS, trong khi nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục vắng bóng. Một trong những lý do khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng trở nên trầm lắng từ đầu năm đến nay, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), là do các ngân hàng đang gặp khó khăn về quy định phát hành trái phiếu.

Cụ thể, theo VNBA, theo quy định tại Điểm đ Khoản 9, Điểm k Khoản 10 Điều 1 Nghị định 65 về phát hành TPDN, khi phát hành trái phiếu thì Hồ sơ phát hành phải có Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ. Đối với quy định này, các TCTD rất khó thực hiện. Nguyên do là bởi đặc thù của ngành Ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, dòng tiền lưu thông luân chuyển liên tục, nguồn vốn sau khi được huy động sẽ được hòa lẫn vào tổng nguồn vốn chung gồm huy động khách hàng, vay vốn nước ngoài, vay/nhận gửi từ các TCTD trong nước… để sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Do vậy, các TCTD không thể phân định tách bạch, có hệ thống theo dõi riêng nguồn tiền huy động từ phát hành trái phiếu hay từ các hoạt động khác được sử dụng cho các khoản vay, đầu tư cụ thể nào và ngược lại các khoản đã cho vay, đầu tư được lấy từ nguồn vốn cụ thể nào của TCTD. Càng khó khăn hơn khi vốn huy động từ trái phiếu cho vay đối tượng cụ thể được thu nợ trong khi chưa đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nguồn vốn đó sẽ quay vòng đầu tư cho các đối tượng khác.

Gỡ thế kẹt phát hành trái phiếu cho ngân hàng - Ảnh 4.

Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu là rất quan trọng với các ngân hàng

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, không nên đánh đồng các quy định vì ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, giữ vai trò huyết mạch nền kinh tế. Do đó, nhu cầu huy động vốn cao để cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, là ngân hàng có hệ thống giám sát quản lý tương đối chuẩn chỉnh. Việc quy định điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác là chưa phù hợp với đặc thù của các TCTD. "Tất nhiên là làm kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro, nhưng những rủi ro này nằm trong tính toán, giám sát của hệ thống nên không đáng lo ngại như doanh nghiệp khác", TS. Thành chia sẻ thêm.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, quy định trên đang gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu mang nhiều lợi thế cho ngân hàng như kỳ hạn huy động vốn dài tạo điều kiện ngân hàng cân đối chỉ số vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn. Đây là yếu tố rất quan trọng. Chưa kể, trong mấy năm qua, lãi suất phát hành trái phiếu còn thấp hơn lãi suất tiền gửi.

Lý do nữa theo ông Tùng, quy định chung phát hành TPDN với doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng không phù hợp đó là bản thân hệ thống ngân hàng được quản lý rất chặt chẽ bởi nhiều chỉ số, công cụ. Với doanh nghiệp chỉ cần đầu tư lĩnh vực gì không trái pháp luật, còn đối với ngân hàng không những việc cho vay phải đúng quy định pháp luật mà còn phải đảm bảo an toàn vốn. Việc này được NHNN giám sát thanh tra thường xuyên thông qua các chỉ số an toàn cũng như thanh tra trực tiếp. "Trong khi ngành Ngân hàng đang tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường TPDN thì chính các ngân hàng đang mắc kẹt với quy định về thị trường này. Do vậy, cần thiết phải gỡ vướng cho các ngân hàng", ông Tùng bày tỏ và cho biết thêm, các ngân hàng còn gặp khó nữa khi phải thực hiện quy định về kiểm toán mục đích sử dụng vốn theo Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65. Đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với các doanh nghiệp nói chung và các TCTD nói riêng. Chính vì thế cho đến nay chưa có công ty kiểm toán nào nhận thực hiện việc này.

Do các vướng mắc nêu trên, kể từ khi Nghị định 65 được ban hành hay Nghị định 08 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 đến nay, các TCTD không thể thực hiện được việc phát hành mới trái phiếu riêng lẻ, do không đáp ứng yêu cầu về nội dung tài liệu trong hồ sơ phát hành.

Nên có quy định phù hợp với đặc thù của ngân hàng

Theo các chuyên gia hàng năm các TCTD đều chịu sự kiểm tra, giám sát của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền về các tỷ lệ an toàn và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan. Do vậy, việc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu phát hành trong thời gian qua luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đây là nguồn vốn cần thiết và quan trọng hỗ trợ các TCTD có đủ vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng nguồn vốn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ngoài bổ sung nguồn vốn dài hạn, nguồn huy động này còn giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ CAR và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác trong hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thông qua đa dạng hóa các sản phẩm huy động vốn trên thị trường... Thực tế bình quân hàng năm các TCTD phát hành trái phiếu chiếm tỷ lệ từ 30-35% tổng lượng TPDN phát hành, cá biệt năm 2022 tỷ lệ này lên đến 59% tổng khối lượng TPDN phát hành.

Đối với một ngành dòng tiền ra vào liên tục như ngân hàng, theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, "thay vì áp dụng chung cho hoạt động phát hành TPDN, nên đưa ra chỉ tiêu phù hợp đối với hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng. Phải tách bạch quy định giữa doanh nghiệp tài chính và phi tài chính".

Để tháo gỡ kịp thời vướng mắc nêu trên của các TCTD, VNBA đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Nghị định 65 theo hướng TCTD không phải thực hiện việc báo cáo và kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới. Ngoài ra, trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, VNBA kiến nghị Chính phủ cho phép các TCTD tạm hoãn thực hiện quy định tại Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65 đến hết 30/6/2023 để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội