A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều gì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng rúp trong những tháng cuối năm?

Việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) quyết định giảm lãi suất chủ chốt từ 9,5% xuống 8% hôm 22/7 đã làm nảy sinh nhiều dự báo đầu cơ trên thị trường tiền tệ. Các chuyên gia phân tích tại Nga đã lý giải cho động thái trên của CBR, đồng thời đưa ra dự báo tỷ giá đồng rúp vào cuối năm.

Điều gì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng rúp trong những tháng cuối năm?

Thượng nghị sĩ Ivan Abramov, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế của Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Trung ương có thể giảm xuống 5% vào cuối năm, nhờ đó, tỷ giá đồng rúp sẽ quay trở lại giá trị trước đó – 1 euro = 70 - 80 rúp. Những dự báo này đã xoa dịu phần nào các nhà đầu tư ngoại tệ sau cú sốc xảy ra hồi tháng 2.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác thận trọng hơn trong dự báo khi cho răng giá sẽ thay đổi, nhưng không phải do CBR giảm lãi suất chủ chốt và thực hiện các quy tắc ngân sách mới.

Nikita Maslennikov, chuyên gia tại Viện Phát triển Đương đại (Institute of Contemporary Development), tự tin rằng đồng rúp sẽ không sụp đổ mà sẽ yếu đi một cách khá mượt mà và thận trọng.

“Tỷ giá của đồng rúp sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của hàng nhập khẩu trong nước và, bất chấp biến động lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Rõ ràng, lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của FED đã dẫn đến sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới. Điều này sẽ dẫn đến sự suy yếu của đồng rúp. Tỷ giá hai đồng tiền này sẽ đi vào “hành lang” 60 – 65 RUB/USD, sau đó, đến cuối năm sẽ nằm trong khoảng 70 -75 RUB/USD và ổn định tại mức này”, chuyên gia này cho biết.

Nếu lấy tỷ giá dự đoán này trừ đi phần chênh lệch tỷ giá mà các ngân hàng thực hiện trong các giao dịch ngoại hối, tiền gửi ngoại tệ sẽ tăng không nhiều.

“Việc CBR giảm lãi suất chủ chốt, đối với người dân chỉ có nghĩa là lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống. Ví dụ, nếu trước đây dự báo lạm phát sẽ ở mức 17-20% thì hiện nay, lạm phát sẽ duy trì trong khoảng 12-15%. Và lạm phát, nói một cách đại khái, là một loại thuế. Khi dự báo lạm phát ở mức 17-20%, gánh nặng nợ nần (có tính đến thuế thu nhập 13%) ở mức tầm 30%. Nghĩa là trên thực tế, người dân buộc phải nộp gần một phần ba thu nhập của mình cho nhà nước. Khi lạm phát ở mức 12%, gánh nặng của người dân được giảm bớt. Và đây là lợi ích trực tiếp cho người dân, có được từ các hành động của CRB”, ông Nikita Maslennikov nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này tin tưởng, việc điều chỉnh giảm lãi suất, một mặt, dẫn đến lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm, mặt khác, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cũng giảm. Không phải ngay lập tức, nhưng chắc chắn vào giữa tháng 8, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tiếp tục giảm, ông Nikita Maslennikov tin tưởng.

 “Tất cả lãi suất cho vay đối với người dân, bằng cách này hay cách khác, sẽ giảm xuống. Tôi nghĩ rằng, cắt giảm lãi suất bình quân sẽ rơi vào khoảng 2%. Có thể một số ngân hàng sẽ giảm nhiều hơn một chút. Giờ đây, mỗi ngân hàng sẽ cố gắng thu hút thêm khách hàng bằng cách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ theo lãi suất mới thấp hơn và các lựa chọn nhất định đối với tiền gửi”, chuyên gia giải thích.

Tất cả những yếu tố này, cộng với các chương trình thế chấp ưu đãi, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân, khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ giá.

“Tỷ giá đồng rúp phụ thuộc vào việc nhập khẩu trong nước sẽ phục hồi như thế nào. Hiện nay, trong phân khúc tiêu dùng, nhập khẩu tụt hậu so với thời điểm tháng 2/2022 khoảng 40% và trong phân khúc đầu tư, hơn 60%. Khi nhập khẩu phục hồi, xuất khẩu và nhập khẩu sẽ được cân bằng theo hướng nhu cầu ngoại tệ lớn hơn và đồng rúp suy yếu ”, ông nói.

Theo quan sát của chuyên gia này, mặc dù yếu, nhưng nhập khẩu đang phục hồi. “Việc dự đoán về quy mô, tốc độ phục hồi, chỉ có thể được thực hiện khi đất nước “vượt cạn” hết quý này. Phục hồi nhập khẩu là khá quan trọng. Chúng tôi cần tìm các nhà cung cấp mới từ những quốc gia được gọi là thân thiện. Và chúng tôi vẫn cần tìm kiếm họ để sản phẩm họ cung cấp phù hợp với chúng tôi về giá cả”, ông Nikita Maslennikov lưu ý.

Ngoài ra, các tuyến đường logistics mới làm tăng chi phí nhập khẩu. Đây cũng là một rủi ro nhất định, được CBR cân nhắc. Tuy vậy, nếu nhập khẩu đắt hơn được phục hồi thì sẽ gây áp lực lạm phát lên nền kinh tế. Đó là lý do tại sao CBR giảm lãi suất mạnh như vậy, khác với mọi dự đoán của các chuyên gia. Mức tối đa mà cộng đồng chuyên gia kỳ vọng là giảm 100 điểm cơ bản, nhưng CBR đã giảm 150 điểm. Và sẽ không có cơ hội nào khác như vậy để giảm lãi suất chủ chốt mà không làm tăng lạm phát", nhà kinh tế giải thích.

“Cùng với đó, CBR đã đưa ra dự báo về cái gọi là lãi suất chủ chốt bình quân trong năm nay. Không phải là 5 mà là đâu đó trong khoảng từ 7,4% đến 8%, nếu được tính toán một cách toàn diện”, chuyên gia này làm rõ thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội