A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu ngân hàng "ngóng" nới room tín dụng

Cổ phiếu ngân hàng phản ứng tích cực trước thông tin liên quan đến việc nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước.

Sau những phút giao dịch hưng phấn trong phiên sáng 6/9, thị trường phiên chiều quay lại trạng thái ảm đạm khi VN-Index dần hạ nhiệt, thậm chí đánh mất phần lớn điểm số, kết phiên với mức tăng như có như không, vỏn vẹn 0,05 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng góp công lớn cho việc duy trì sắc xanh của thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng góp công lớn cho việc duy trì sắc xanh của thị trường.

Đóng cửa, VN-Index chỉ còn tăng 0,05 điểm lên 1.277,4 điểm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,15%) đạt 293,27 điểm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (0,14%) về 91,64 điểm.

Thị trường phiên 6/9 giao dịch "sáng nắng, chiều mưa", tiêu điểm là nhóm cổ phiếu điện, đầu tư công và bất động sản đều có nhịp kéo hưng phấn tuy nhiên gặp áp lực chốt lời khiến đà tăng chững lại.

Giao dịch khá tích cực, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn VN30-Index tăng 0,91 điểm với sự áp đảo của sắc xanh. POW là mã cổ phiếu tăng điểm có giá trị tương đối, lớn nhất với 2,5%. Thêm vào đó, POW cũng là cái tên có thanh khoản cao nhất phiên với giá trị giao dịch lên gần 442 tỷ đồng. Theo sau, CTG, VRE, BID, HDB… đồng thuận đi lên với mức tăng hơn 1%.

Ngoài ra, nhóm phân đạm và thép sau nhịp tăng mạnh đã xuất hiện phiên phân phối với lực bán lớn cuối phiên. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index thể hiện sự cân bằng nhất định, tuy nhiên lực cầu ở ngoài vẫn còn e ngại trước những diễn biến bất ổn từ thị trường thế giới.

Đáng chú ý trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp công lớn cho việc duy trì sắc xanh của thị trường chung, khi dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm này. 3 đại diện tiêu biểu đến từ nhóm này nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index. Đó là BID đóng góp cho thị trường hơn 0,7 điểm. Chốt phiên BID tăng 1,39% lên mốc 40.040 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra CTG cũng mang lại lại cho VN-Index hơn 0,36 điểm nhờ việc tăng 1,07%. HDB cũng tăng 1,14% và kéo thị trường 0,15 điểm. Một số mã ngân hàng cũng giữ được đà tăng trong phiên này phải kể đến: VCB (tăng 0,12%); VPB (tăng 0,32%); MBB (tăng 0,21%)…

Ngược lại, chiều giảm chỉ ghi nhận 4 mã, đều giao dịch trên sàn HNX và thị trường UPCoM, trong khi có 8 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản nhóm ngân hàng cải thiện 20% so với phiên trước lên 1.560 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức thấp. Để dòng tiền lớn có thể nhập cuộc có lẽ cần thông tin chính thức về việc nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 6/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được đưa ra.

Trong đó, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP 6 - 6,5%. Từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.

Việc đưa ra mục tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu...

"Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất trong giai đoạn hiện tại. Đến nay, các ngân hàng cũng đã báo cáo tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu cho giai đoạn này đã được dùng hết, phần còn lại sẽ được giao cho các ngân hàng trong 1 - 2 ngày tới" - Phó Thống đốc nói.

Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang

Quan sát diễn biến có thể thấy, thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang khi dòng tiền có sự phân hóa. Lần lượt các nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình thu hút được dòng tiền như: Hóa chất, thép… được nghỉ ngơi và thay thế bằng nhóm cổ phiếu điện. Diễn biến thị trường có dấu hiệu tích cực hơn khi có sự tham gia của nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, VN-Index có thể còn đi ngang trong vùng giá 1.260 - 1.285 điểm ở phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên có thể xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến hiện tại. Điểm tích cực là mức giảm của chỉ báo tâm lý không quá lớn, cho nên các nhà đầu tư không còn tỏ ra quá bi quan với diễn biến hiện tại.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới vào giai đoạn này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 - 45% danh mục” - FSC khuyến nghị.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, với việc một lần nữa vượt cản bất thành, rủi ro đảo chiều giảm điểm của VN-Index đang có phần gia tăng với vùng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.25x. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra khuyến nghị, trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư có thể bỏ qua tác động từ chỉ số, quan tâm đến cổ phiếu nhiều hơn. Việc VN-Index đang gặp khó ở vùng cản 1.286 điểm không phản ánh được diễn biến tích cực ở các nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình hiện nay.

“Với sự luân chuyển của dòng tiền trong thời gian rất ngắn ở các nhóm cổ phiếu trong những phiên gần đây, nhà đầu tư không nên mua đuổi. Nên quan sát diễn biến hồi phục của các nhóm cổ phiếu đã thu hút được dòng tiền trong thời gian vừa qua, trong đó nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản vẫn có lợi thế. Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên” - MBS nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội