Cổ phiếu ngân hàng nào "bốc hơi" mạnh nhất tuần qua?
Mặc dù hồi phục mạnh mẽ 2 phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu ngân hàng tuần qua nhìn chung vẫn diễn biến kém khả quan. Giá cổ phiếu cũng là một trong những câu chuyện "nóng" tại mùa đại hội năm nay. Nhiều cổ đông không khỏi "sốt ruột" khi giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh thời gian gần đây và chất vấn lãnh đạo ngân hàng làm thế nào hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng.
Trong 27 cổ phiếu thì có tới 19 mã ngân hàng giảm giá trong tuần qua, 1 mã đứng giá và 7 mã tăng giá.
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là PGB (-5,9%), EIB (-5,7%), CTG (-5,6%) và TPB (-4,5%),…
Ở chiều ngược lại một số cổ phiếu tăng giá như VAB (3,4%), NVB (3,2%), ACB (1,2%), KLB (1,2%),…
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng yếu hơn so với tuần trước với gần 600 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm khoảng 10%. Trong đó, VPB có tuần thứ 4 dẫn đầu về khối lượng giao dịch, đạt 94 triệu cp. Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn tiếp theo là TCB, MBB, STB, SHB,…
Đáng chú ý, thanh khoản VCB tăng vọt trong tuần qua (đạt 37 triệu cp, gấp 3,5 lần tuần trước) do có giao dịch thoả thuận đột biến phiên giao dịch cuối tuần. Cụ thể, phiên 29/4, VCB ghi nhận giao dịch thoả thuận tới 27 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.200 tỷ đồng.
Tuần qua là đợt cao điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên của các ngân hàng. Trong ngày 28-29/4 có tới 9 ngân hàng họp cổ đông.
Những ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, VPB, MBB,…đều có kế hoạch tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đáng chú ý, riêng tại VPB, lãnh đạo ngân hàng tiết lộ từ năm sau có thể sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Giá cổ phiếu cũng là một trong những câu chuyện "nóng" tại mùa đại hội năm nay. Nhiều cổ đông không khỏi "sốt ruột" khi giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh thời gian gần đây và chất vấn lãnh đạo ngân hàng làm thế nào hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết: "Nhiệm vụ của HĐQT là làm sao để hoạt động ngân hàng tốt nhất qua đó giá trị của ngân hàng và cổ phiếu đi lên chứ chúng tôi không thể làm cho giá cổ phiếu đi lên.
Tương tự, tại LPB, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc cho rằng giá cổ phiếu LPB diễn biến thế nào đó hoàn toàn là theo thị trường. "Tôi không biết làm sao cho giá cổ phiếu LPB lên cao được, tôi chỉ biết làm sao cho ngân hàng tốt nhất" – ông Sơn chia sẻ với cổ đông.
Chủ tịch TPBank, ông Đỗ Minh Phú cũng khẳng định HĐQT không kiểm soát giá cổ phiếu mà giá trị do thị trường, tuỳ đánh giá của nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh, an toàn của ngân hàng. Theo ông Phú, cổ phiếu TPB đã có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021, từ 27.000 tháng 1/2021 - 40.000 đồng tháng 3/2022 . Như vậy giá cổ phiếu TPB đã tăng 50% trong năm qua. Nếu tính cả những quyền lợi do phát hành thêm cổ phiếu thưởng 33% thì giá trị cổ phiếu TPB đã tăng trên 80% trong năm 2021. Thời gian qua, TPB cũng giảm ít hơn dù toàn thị trường đỏ rực như vậy. "Chúng tôi chỉ đảm bảo cổ phiếu đó được lưu hành tuân thủ quy định của pháp luật. Nhà đầu tư sẽ tự tín nhiệm với cổ phiếu TPB".
https://cafef.vn/co-phieu-ngan-hang-nao-boc-hoi-manh-nhat-tuan-qua-2022050114223891.chn