A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“SwissLeaks” - bê bối ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ

Cuộc điều tra của Dự án Báo cáo tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) với sự tham gia của 47 cơ quan báo chí, hãng truyền thông khác nhau trên thế giới đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy, ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai Thụy Sỹ trong nhiều thập kỷ từng giữ hàng chục tỷ USD tiền gửi bất minh có từ tham nhũng hoặc của tội phạm có tổ chức.

(ảnh minh họa).

(ảnh minh họa).

“Bê bối thế kỷ”

Thụy Sỹ từ lâu nổi tiếng với vai trò một trung tâm tài chính toàn cầu với hệ thống ngân hàng nổi tiếng có tính bảo mật và an toàn cao nhất thế giới. Trong hệ thống đó, Ngân hàng Credit Suisse với lịch sử 166 năm là lớn thứ hai ở quốc gia giàu có này, đồng thời cũng là một trong những tổ chức tài chính quan trọng nhất thế giới. Ngân hàng này có tới gần 50.000 nhân viên, quản lý khối tài sản khổng lồ lên tới 1,5 nghìn tỷ USD cho 1,5 triệu khách hàng trên khắp các châu lục.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 2 vừa qua, OCCRP đã công bố kết quả cuộc điều tra được gọi với cái tên lóng là “SwissLeaks” đã phơi bày mặt trái của hệ thống tài chính này. Cụ thể, dựa trên những tài liệu nội bộ bị rò rỉ ra ngoài, OCCRP cáo buộc Credit Suisseđã dung túng và bao che cho những khoản “tiền bẩn” khổng lồ của khách hàng gửi tại đây trong suốt nhiều năm liền.

Theo tờ The Guardian của Anh - một trong những cơ quan báo chí tham gia cuộc điều tra của OCCRP, các nhà điều tra của OCCRP đã xác định được một danh sách gồm hơn 18.000 tài khoản ngân hàng của 37.000 cá nhân hoặc công ty, có từ những năm 1940 đến những năm 2010, với ước tính khối tài sản có thể lên đến 100 tỷ USD có dấu hiệu đáng ngờ.

Thông tin bị rò rỉ về mỗi tài khoản bao gồm số tài khoản, tên của chủ sở hữu, ngày mở/đóng và số tiền tối đa từng có trong tài khoản. Theo kết quả phân tích, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ sở hữu đang thực hiện các danh mục đầu tư hay tiết kiệm, nhiều tài khoản thậm chí rất lâu không được truy cập.

Năm có nhiều tài khoản được mở nhất là 2007 và 2008. Năm đóng tài khoản cao nhất là 2014, khi Thụy Sỹ bắt đầu áp dụng các quy định mới về việc tự động trao đổi thông tin thuế đối với khách hàng cư trú nước ngoài. Nhiều chủ tài khoản đến từ các quốc gia không đăng ký sử dụng Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS)- một sáng kiến chống trốn thuế toàn cầu yêu cầu các quốc gia tự động trao đổi thông tin ngân hàng với cơ quan thuế.

Trong số những khách hàng đặc biệt có tên trong danh sách này có Rodoljub Radulovic, người Serbia- một trong những tên cầm đầu băng đảng buôn lậu ma túy lớn nhất Đông Âu.Theo cáo buộc của các công tố viên Serbia, Radulovic đã mở một tài khoản tại Credit Suisse để phục vụ mục đích rửa số tiền hơn 3 triệu euro kiếm được từ các phi vụ buôn lậu ma túy.

Một nhân vật khác có tên trong danh sách này là Eduard Seidel-cựu giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn viễn thông Đức Siemens tại Nigeria, sở hữu tài khoản hàng chục triệu franc Thụy Sĩ. Nhân vật này bị cáo buộc đã hối lộ các quan chức Nigeria để đem về các hợp đồng viễn thông cho Siemens.

Muller Conrad “Billy” Rautenbach(ông trùm khai thác mỏ ởCongo)cũng mở các tài khoản với số tiền gửi có giá trị cao tại Credit Suisse, dù trước đó từng bị cáo buộc hành vi tham nhũng tại Congo. Trong số những cái tên nổi bật trong danh sách còn có con trai của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, một cựu điệp viên Yemen ngồi tù vì sử dụng bạo lực, một gia đình mafia ở Azerbaijan… Theo cáo buộc, Credit Suisse đã lách những quy tắc ngân hàng quốc tế để có thể giữ các khoản tiền gửi có nguồn gốc bất hợp pháp này.

Vụ rò rỉđược xem là bê bối ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Sỹ nói trên đã giáng thêm một đòn mạnh vào uy tín của ngân hàng này. Năm 2016, Credit Suisse đã bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 2,6 tỷ USD vì “âm mưu hỗ trợ những người trốn thuế tại Mỹ”. Hồi năm ngoái, ngân hàng này cũng đã phải chấp nhận trả 475 triệu USD tiền phạt và các kế hoạch đầu tư với đối tác cũng bị ảnh hưởng đáng kể sau một cáo buộc liên quan đến âm mưu hối lộ ở Mozambique.

Tháng 3/2021, ngân hàng này cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc Tập đoàn tài chính Greensill Capital của Anh sụp đổ, trong đó ngân hàng đã cam kết khoảng 10 tỷ USD thông qua 4 quỹ. Ở Thụy Sĩ, một cựu nhân viên của Credit Suisse nằm trong số các bị cáo trong một phiên tòa xét xử tham nhũng lớn mới được khởi động, liên quan đến cáo buộc rửa tiền và tội phạm có tổ chức ở Bulgaria.

 

Tuy nhiên, ngay sau khi những thông tin trên được công bố, đại diện ngân hàng Credit Suisse đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của OCCRP với lý do những trường hợp được nêu đã xảy ra trong quá khứ, một số là từ những năm 1940. “Credit Suisse bác bỏ các cáo buộc về các hoạt động kinh doanh có mục đích của ngân hàng…

Trong số các tài khoản đang hoạt động còn lại, chúng tôi cho rằng đã thực hiện thẩm định, đánh giá và các bước liên quan đến quy trình giám sát, kiểm soát khác, phù hợp khuôn khổ quy định hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích các vấn đề và thực hiện các bước bổ sung nếu cần”, thông cáo của ngân hàng có đoạn.

Hai bộ quy tắc khác biệt

Những trường hợp được nêu đích danh là tài khoản ngân hàng của cá nhân hoặc tổ chức phạm tội nói trên đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả, minh bạch của Credit Suisse đối với các cam kết tài chính quốc tế. Trong thông cáo trên trang web của OCCRP, các nhà báo cho biết những nhân vật đáng ngờ trong tài liệu rò rỉ đã được điều tra xác thực, rồi mới đưa ra công bố.

Thông cáo cũng cho biết, một số nhân viên đã hoặc đang làm tại Credit Suisse chia sẻ, “văn hóa làm việc khuyến khích chấp nhận rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận” của ngân hàng nàylà một trong những nguyên nhân dẫn đến việc họ sẵn sàng bỏ qua các quy tắc bắt buộc khi tiếp cận khách hàng.

Theo đó, các nhân viên của Credit Suisse cho biết ở đây tồn tại hai bộ quy tắc dành cho hai nhóm khách hàng, bao gồm nhóm người giàu và người cực giàu.“Việc thẩm định khách hàng và tài khoản dưới mức 1 triệu USD rất kỹ lưỡng”, một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Credit Suisse cho hay. Song, với các tài khoản có giá trị đặc biệt cao, thông tin khách hàng được giữ bí mật đến mức chỉ một vài nhân sự cấp cao của ngân hàng được phép tiếp cận.

Một số người cho rằng, các quy định nghiêm ngặt về giữ bí mật ngân hàng của Thụy Sy đã khiến các chính phủ hoặc giới báo chí gần như không thể nắm được thông tin gì về hoạt động kinh doanh ngân hàng ở quốc gia này. Điều 47 Luật Ngân hàng Thụy Sỹ khiến các nhà báo nước này có nguy cơ bị truy tố nếu sở hữu hoặc xuất bản những thông tin ngoài những gì ngân hàng công bố.

Tuy nhiên, theo tờ Suddeutsche Zeitung của Đức, chính các quy định bảo mật ngân hàng của Thụy Sỹ lại đóng vai trò như một “lá chắn” cho những khoản tiền bất hợp pháp, tiếp tay cho nạn tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế và “khiến các nước đang phát triển thiếu hụt nguồn thu thuế cần thiết”.

Những năm gần đây, hàng loạt ngân hàng Thụy Sỹ khác như UBS, Falcon, Julius Bar và BSI cũng đã phải đối mặt các lệnh phạt vì vi phạm nguyên tắc chia sẻ thông tin chống rửa tiền quốc tế.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội