Vụ bệnh viện xây không phép trên đất quốc phòng tại Đà Nẵng: Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến vụ việc dự án bệnh viện Hòa Hảo (TP Đà Nẵng) đã hoàn thiện 7 tầng xây dựng và sắp đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có giấy phép xây dựng, trách nhiệm của các bên liên quan đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Bệnh viện 7 tầng xây dựng không phép trên đất quốc phòng ở Đà Nẵng.
Công trình Khu liên hợp Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa, tư vấn, chăm sóc sức khỏe hay còn gọi là Bệnh viện Hòa Hảo (số 02 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) do công ty Công ty TNHH DV-TM Trường Sơn Tùng làm chủ đầu tư đã hình thành gần 07 năm nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng (GPXD) bởi nhiều lý do.
Đất quân đội… chính quyền không làm gì được?
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, khu đất tại số 2 Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu) là đất quốc phòng vẫn đang thuộc thẩm quyền quản lý của Quân khu 5, do đó, địa phương không thể cấp GPXD cho dự án theo quy định.
Sở Xây dựng cho biết, theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 4, Điều 50, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau, doanh nghiệp quốc phòng và tổ chức kinh tế sử dụng vào mục đích kinh tế thuộc trường hợp phải chuyển sang thuê đất với địa phương.
Trao đổi với PLVN, đại diện Sở Xây dựng cho biết, theo quy định, đất quốc phòng nhưng không sử dụng vào mục đích quốc phòng mà muốn sử dụng vào mục địch kinh tế phải chuyển giao về cho địa phương, UBND các tỉnh quản lý.
Liên quan đến dự án bệnh viện Hòa Hảo số 02 Nguyễn Hữu Thọ Bản, vị này khẳng đinh: “Bản thân quân đội “phải gỡ”, chính quyền địa phương tuân thủ thực hiện đúng quy định của luật đất đai thì dự án mới triển khai tiếp được”.
Với dự án trên, BQP phải chuyển mục đích thành đất phát triển kinh tế chứ không phải đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, giao về cho địa phương rồi địa phương mới tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Cận cảnh công trình đồ sộ xây dựng không phép tồn tại nhiều năm liền ở Đà Nẵng. |
Liên quan đến câu hỏi cơ sở để cấp GPXD, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh: “Địa phương không có cơ sở để cấp GPXD cho dự án khi mục đích sử dụng đất vẫn là đất quốc phòng, vì theo quy định đã là đất quốc phòng thì địa phương không thể cấp phép cho các hạng mục, công trình kinh tế được, chính quyền không làm được”.
Thông tin thêm, hiện nay tại số 02 Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu), hiện có những hạng mục vẫn thuộc quốc phòng như bệnh viện, các công trình phụ trợ… thì những việc liên quan đến đất quốc phòng và mục đích quốc phòng, BQP xử lý hết, không liên quan đến thành phố.
Thực tế, BQP vẫn có những phòng ban thẩm định thủ tục, phê duyệt…liên quan đến mục đích quốc phòng, còn nếu liên quan đến mục đích phát triển kinh tế phải chuyển quyền quản lý về cho địa phương, quốc phòng không thực hiện được nhiệm vụ đó, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.
“Nhập nhằng” chủ sở hữu
Cũng theo thông tin mới nhất Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, chính quyền TP Đà Nẵng đã đề nghị “Bộ tư lệnh Quân khu 5 xem xét, cho ý kiến việc ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Doanh nghiệp quốc phòng và tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích kinh tế kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau, thuộc trường hợp phải chuyển sang thuê đất với địa phương theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 4, Điều 50, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để UBND thành phố có cơ sở thực hiện”.
Như vậy, Sở này viện dẫn, căn cứ vào Thông tư số 35/2009/TT-BQP ngày 20/07/2009 Ban hành quy chế quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng, chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế; hợp đồng kinh tế số 746/HĐHTĐT/2015 ngày 17/4/2015 giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Trường Sơn Tùng được ký kết; Quyết định số 781/QĐ-BTL ngày 10/4/2015 của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về việc phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế; Quyết định số 2931/QĐ-BTL ngày 14/12/2015 của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình… doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục thực hiện dự án.
Theo đó, Công ty Trường Sơn Tùng lần lượt hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan như: Đánh giá tác động môi trường (số 4575/QĐ-UBND ngày 10/10/2019), chứng nhận PCCC số 99/TD-PCCC và các nghĩa vụ tài chính liên quan nhưng vẫn chưa có được GPXD theo quy định.
Do đó, thủ tục cấp phép xây dựng dự án số 02 Nguyễn Hữu Thọ đang tồn tại nhiều bất cập liên quan đến quy định của pháp luật, mà địa phương là chính quyền TP Đà Nẵng và đơn vị chủ quản dự án là Quân khu 5 đang vấp phải.
Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, dự án tại số 2 Nguyễn Hữu Thọ là khu đất của Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần) thuộc quản lý của Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.
Công trình với 3 hạng mục được xây dựng cho đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng. |
Ngày 10/4/2015, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã có quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất và tài sản trên đất quốc phòng vào mục đích kinh tế là xây dựng Khu liên hợp Trung tâm Thương mại dịch vụ tổng hợp và chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa tư vấn chăm sóc sức khoẻ, giao cho Cty Trường Sơn Tùng) làm chủ quản đầu tư, diện tích xây dựng 4.500m2 (mật độ xây dựng 70%), tổng diện tích sàn 10.000m2, thời gian sử dụng 25 năm (6/2015-6/2040). Theo Hợp đồng, vốn đầu tư của DA khoảng 50 tỷ đồng, sau đổi tên Bệnh viện Hoà Hảo và nâng tên mức đầu tư 79 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công, ngày 13/2/2017, Công trình có 3 hạng mục gồm khối Đa khoa (quy mô 7 tầng); Khối nhà nha khoa (quy mô 3 tầng); công trình dịch vụ ô tô (quy mô 2 tầng) đều vi phạm xây dựng không phép. Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình không phép trên 50 triệu đồng.
Điều đáng nói, ngày 24/2/2017, chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm dịch vụ ôtô 2 tầng, đang thi công phần thô khối Đa khoa 7 tầng và khối Nha khoa 3 tầng khi chưa được cấp phép xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng, trong đó có nội dung đề xuất UBND thành phố chỉ cho phép tồn tại công trình Trung tâm dịch vụ ôtô, hoàn thiện dự án Đa Khoa và Khối nhà nha khoa. Các hạng mục còn lại đề nghị UBND TP không thống nhất theo đề xuất của chủ đầu tư. Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công.
Không chỉ vậy, khi chưa được cấp phép xây dựng và vẫn tồn tại nhiều năm liền, trên một số trang web đã quảng cáo, giới thiệu về Bệnh viện, tuyển nhân sự làm việc. Bệnh viện được giới thiệu là Bệnh viện chuyên ngành đông y và sản nhi lớn hàng đầu Đà Nẵng và miền Trung; quy tụ nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành cùng dịch vụ hiện đại, tiện ích...
Theo quan sát, hiện đã có khu nhà cao 6 tầng và một số hạng mục, công trình phụ trợ đã thi công xong phần thô; nội thất đang được lắp đặt.