A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sếp nhà băng nào còn dùng dằng với công ty “sân sau”?

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung về siết sở hữu chéo có hiệu lực từ 15/1/2018 song cho đến nay vẫn còn một số sếp dùng dằng chưa quyết định lựa chọn doanh nghiệp hay nhà băng.

Dùng dằng chưa quyết

Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đồng thời là chủ doanh nghiệp đã lựa chọn ở lại ngân hàng, nhường ghế nóng doanh nghiệp cho người kế nhiệm. Đó là các trường hợp của Chủ tịch SHB – ông Đỗ Quang Hiển từ bỏ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn T&T, ông Dương Công Minh rời ghế Chủ tịch tập đoàn Him Lam để làm Chủ tịch Sacombank. Ông Đỗ Minh Phú nhường ghế Chủ tịch tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI để ở lại làm Chủ tịch TPBank. Bà Thái Hương cũng quyết định không đứng tên tại TH Milk để làm CEO của ngân hàng Bắc Á.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số sếp lớn dùng dằng chưa đưa ra quyết định khó khăn này. Có thể kể đến trường hợp ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienlongBank đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản nổi tiếng ở Long An mà ông gắn bó hàng chục năm qua.

Tài chính - Ngân hàng - Sếp nhà băng nào còn dùng dằng với công ty “sân sau”?

Ông Võ Quốc Thắng chưa lựa chọn KienLongBank hay Đồng Tâm group.  

Hiện ở Đồng Tâm Group, ông Thắng đang nắm giữ 47,38% cổ phần doanh nghiệp. Anh trai ông Thắng là ông Võ Văn Khuyến nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT với tỷ lệ cổ phần 14,52%. Ngoài ra, liên quan đến ông Thắng, ông Khuyến còn có 7 cổ đông khác có cổ phần tại Đồng Tâm là vợ, anh chị em và con ruột của hai ông.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy ông Thắng lên tiếng về quyết định sẽ chọn làm chủ tịch ngân hàng hay doanh nghiệp. Trên website của cả KienlongBank lẫn Đồng Tâm Group đều đang thể hiện chức danh hiện tại của ông Thắng.

Trong một diễn biến khác, ngày 23/2/2018, KienlongBank đã thay Tổng giám đốc. Theo đó, ông Võ Văn Châu thôi chức vụ này kể từ ngày 24/02/2018. Người thay thế ông Châu là bà Trần Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc thường trực. Không rõ động thái này có liên quan đến việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy ngân hàng trước khi ông Thắng quyết định lựa chọn hay không.

Một trường hợp khác là ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT ngân hàng An Bình đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco). Hiện ông Vũ Văn Tiền có 0,37% cổ phần tại ngân hàng An Bình, tập đoàn Geleximco nắm giữ 12,99%.

Tài chính - Ngân hàng - Sếp nhà băng nào còn dùng dằng với công ty “sân sau”? (Hình 2).

Ông Vũ Văn Tiền.

Ông Tiền vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng An Bình. Tuy chưa lên tiếng về việc lựa chọn ngân hàng hay doanh nghiệp song tại website của Geleximco hiện không có thông tin nào thể hiện chức danh lãnh đạo của ông Tiền tại đó.

Liên quan đến cơ cấu tổ chức của ngân hàng An Bình, giống như động thái của KienlongBank, mới đây nhà băng này cũng đã thay chức danh Tổng giám đốc của ông Cù Anh Tuấn và cử ông Nguyễn Mạnh Quân là Phó tổng giám đốc thay thế ông Tuấn từ ngày 12/01/2018.

Tại ngân hàng cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), một doanh nhân nghìn tỷ cũng chưa đưa ra lựa chọn đó là ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT. Ông Vỹ đang nắm giữ hơn 28 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 6,14% cổ phần với trị giá gần 900 tỷ đồng. Ông Đặng Khắc Vỹ hiện cũng là Chủ tịch công ty Mareven Food Holdings, một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và một số quốc gia châu Á.

Tài chính - Ngân hàng - Sếp nhà băng nào còn dùng dằng với công ty “sân sau”? (Hình 3).

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB, Chủ tịch công ty Mareven Food Holdings.

Ngoài ra, theo ghi nhận, hiện vẫn còn khá nhiều chủ nhà băng kiêm sếp doanh nghiệp chưa lên tiếng lựa chọn nơi gắn bó như: Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga với lựa chọn buông vị trí Chủ tịch SeABank hay Chủ tịch BRG Group. Bà Nga còn đồng thời là chủ tịch/thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam.

Ông Phan Đình Tân không rõ sẽ lựa chọn làm Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank hay Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàn Cầu? Ông Phương Hữu Việt lựa chọn làm Chủ tịch Việt Á Bank hay công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương? Ông Nguyễn Đình Lâm lựa chọn chức Chủ tịch HĐQT PVcomBank hay Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam?

Tuy nhiên có một điều khá trùng hợp rằng cho đến nay cả bà Nga, ông Tân, ông Lâm và ông Việt vẫn lần lượt “cố thủ” vị trí Chủ tịch HĐQT các ngân hàng SeABank, Nam Á Bank, PVcomBank và Việt Á Bank.

Quan hệ sở hữu chéo tại Vietjet và HDBank

Tại HDBank, có tới ba chiếc ghế nóng thể hiện quan hệ sở hữu chéo giữa nhà băng và doanh nghiệp. Chiếc ghế quyền lực lớn nhất thuộc về bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT nhà băng này. Bà Tâm cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ tháng 7/2015 đến nay, sau một thời gian là thành viên HĐQT doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam từ tháng 4/2013 đến tháng 7/2015.

Tài chính - Ngân hàng - Sếp nhà băng nào còn dùng dằng với công ty “sân sau”? (Hình 4).
Bộ ba quyền lực ở HDBank: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh.

Ngoài ra, ở HDBank, vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT mang tên bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn được biết đến như là chiếc “ghế nóng” kiêm nhiệm của nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam – Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Vietjet.

Một chiếc “ghế nóng” nữa tại HDBank cũng có liên quan đến sếp Vietjet, đó là ông Lưu Đức Khánh - Phó chủ tịch HĐQT HDBank đồng thời là Phó tổng giám đốc Vietjet – người vừa được truyền thông tung hô vì tuyên bố sơn hình đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lên thân máy bay của hãng hàng không giá rẻ này.

Như vậy, riêng tại ngân hàng HDBank có tới ba vị trí thể hiện quan hệ sở hữu chéo giữa nhà băng và doanh nghiệp buộc các vị lãnh đạo này phải lựa chọn. Bà Lê Thị Băng Tâm đương nhiên vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của HDBank.

Trong khi đó, theo giới thiệu trên website của Vinamilk, phần “Nhân sự chủ chốt” thì bà Băng Tâm hiện vẫn là Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Thậm chí, tại báo cáo tình hình quản trị 2017 của Vinamilk được lập ngày 30/1/2018 (tức là 15 ngày sau khi Luật Các tổ chức tín dụng 2017 có hiệu lực), bà Tâm vẫn được Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp này bầu lại vào HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 với tư cách Chủ tịch HĐQT, thành viên độc lập.

Thông tin về chức danh của bà Thảo, ông Khánh vẫn thể hiện trên trang chủ của HDBank, đồng thời họ vẫn đang là những nhân sự cấp cao tại Vietjet. Và không có gì khó hiểu bởi vì hẳn là họ vẫn đang đứng trước một lựa chọn khó khăn khi mà đó đều là những chiếc ghế khiến “vạn người mơ”.

Điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017 quy định:

Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Video clip
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội