A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì khi con cái đột nhiên “bỏ nhà mất tích”?

Chỉ ít ngày sau Tết, tin tức về những đứa trẻ mới lớn đột ngột mất tích rộ lên ở một số địa phương. Có em khi gia đình tìm được đã tử vong với nguyên nhân... tự tử. Đây không chỉ là chuyện đau lòng của một hay vài gia đình mà là vấn đề đáng quan tâm của tất cả các bậc làm cha làm mẹ.

Cha mẹ cần biết cách ứng xử phù hợp với trẻ thành niên để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ cần biết cách ứng xử phù hợp với trẻ thành niên để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. (Ảnh minh họa)

Sai lầm kỷ luật “sắt”, nuông chiều quá đà

Nếu như gia đình ông NVL ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An còn có niềm vui tìm thấy được cô con gái 15 tuổi đột ngột rời nhà từ mùng 1 Tết, thì gia đình ông NCĐ tại huyện Tây Sơn, Bình Định lại không may mắn như vậy. Cơ quan Công an cho hay con trai ông NCĐ đã tự nhét một cục đá vào ba lô và nhảy xuống sông tự vẫn thay vì đến trường nhập học.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn nhớ câu chuyện về một ca cấp cứu đau lòng cho một trẻ nam 13 tuổi. Trẻ tự tử bằng cách thắt cổ trong nhà tắm để phản đối chuyện mẹ lắp camera trong phòng để theo dõi mình…

Chuyên gia Tâm lý, Thạc sĩ Lý Thị Mai trong lần tư vấn đã kể câu chuyện: cô con gái 35 tuổi về than thở với mẹ chuyện hai đứa con vị thành niên không nghe lời. Thay vì hưởng ứng cùng con gái, bà mẹ đã trả lời: “Con tưởng hồi bằng tuổi các cháu bây giờ con ngoan ngoãn lắm hay sao. Nếu mẹ không thường xuyên tự nhủ phải kiên nhẫn để tìm cách uốn nắn, chắc chắn con chẳng thể được như bây giờ”. Điều đó cho thấy đời người ai cũng trải qua những năm tháng dần đi vào quỹ đạo trưởng thành như thế.

Theo các nhà giáo dục, tâm lý, trẻ vị thành niên là những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những biến động của xã hội. Bởi vậy, nếu gia đình không có một phương pháp giáo dục đúng đắn thì hậu quả mà gia đình nói riêng và xã hội nói chung phải gánh chịu không sao lường trước được. Nhưng hiện nay không ít bậc cha mẹ vẫn vướng một số sai lầm trong ứng xử với con vị thành niên.

Sai lầm lớn nhất của cha mẹ khi ứng xử với con tuổi vị thành niên là sự thiếu quan tâm đến con trẻ; luôn coi chúng là chưa biết gì và áp dụng phương pháp giáo dục chưa phù hợp khi dùng kỷ luật “sắt”, khi lại nuông chiều quá đà.

Sai lầm thứ hai của các bậc cha mẹ là dùng uy quyền để áp đặt, bắt buộc con làm theo mệnh lệnh của mình; nếu trẻ không nghe thì dùng biện pháp trừng phạt từ thấp đến cao. Thậm chí, một số bậc phụ huynh vì thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được bản thân đã xâm hại con về mặt tinh thần như: dùng lời lẽ cay độc, mắng chửi khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí coi việc hành hạ, đánh đập hoặc dùng các nhục hình với trẻ như là quyền của họ…

 

Cha mẹ chính là người cần chủ động

Ở câu chuyện của chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, bà mẹ đã dành cho cô con gái những lời khuyên rất quý báu để cô biết cách đồng hành với con như: gần gũi, chân thành lắng nghe tiếng nói phản ánh tâm tư và nguyện vọng chính đáng của các con, cố gắng trở thành người bạn lớn tuổi của chúng; tôn trọng con, không được công khai lên tiếng phê phán con trước mặt bạn và phê phán bạn của con khi chưa tìm hiểu kỹ; với con cái không có chuyện thắng thua, mẹ cãi tay đôi với các con của mình là điều rất không nên…

Còn từ từ góc nhìn của mình, Thạc sỹ Lê Thị Lan, giảng viên khoa Xã hội học - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, chính sự khác biệt về nhận thức, quan niệm, suy nghĩ và cách sinh hoạt giữa cha mẹ cùng con cái đã tạo nên những xung đột về tâm lý giữa các bậc phụ huynh và con cái.

Để tháo gỡ những xung đột trên, cha mẹ chính là người cần chủ động trong vấn đề này. Cha mẹ cần bớt quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của con, tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định trong một số vấn đề trong cuộc sống. Điều đó để trẻ thấy rằng mình cũng nhận được sự tôn trọng từ phía cha mẹ. Chính từ nhận được sự tôn trọng của bố mẹ, con cái sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.

Nhận diện và ứng xử như thế nào với trẻ thì các bậc cha mẹ cần tìm hiểu chứ không nên theo “kinh nghiệm truyền thống xưa nay” – đó là lời khuyên của giảng viên Nguyễn Bá Đạt, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Theo đó, đôi khi, nếu tâm lý của trẻ ở mức độ nhẹ chỉ cần sự ứng xử hợp lý, sự khích lệ, thấu hiểu, tư vấn, tham vấn thì trẻ cũng nhanh chóng vượt qua. Nhưng khi trẻ có hành vi tiêu cực và xu hướng lặp đi lặp lại kéo dài 3 - 6 tháng thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các nhà tâm lý, thầy cô giáo để hiểu tâm lý của trẻ.

Để tránh dẫn tới chuyện đau lòng khi trẻ tìm đến cái chết ở lứa tuổi vị thành niên, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Vì vậy, nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ như trẻ luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng; trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết; trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát, cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội