Góc kinh tế học: Vì sao lạm phát có lợi cho tầng lớp trung lưu, người siêu giàu mới chịu thiệt?
Xét trên phương diện tài sản ròng, lạm phát có lợi cho tầng lớp trung lưu và ảnh hưởng xấu đến những người siêu giàu. Nó cũng đã giúp hạn chế cả bất bình đẳng giàu nghèo nói chung. Những người lo lắng về sự gia tăng lạm phát gần đây - như FED - nên ghi nhớ điều này khi xem xét liệu có nên kìm hãm nó hay không và kìm hãm ở mức độ nào.
Nỗi lo lắng về lạm phát, của cả người dân và các nhà quản lý Hoa Kỳ, đã lên đến đỉnh điểm gần đây. CPI tại đây đã tăng tới 7,5% vào tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Nếu thu nhập của người dân tăng ít hơn tỷ lệ lạm phát, thu nhập thực tế của họ sẽ giảm và họ không đủ khả năng mua nhiều thứ như trước đây. Đây là "hiệu ứng thu nhập" của lạm phát.
Nhưng, như Giáo sư Kinh tế tại Đại học New York Edward N. Wolff đã trình bày trong một bài báo nghiên cứu gần đây , lạm phát cũng có mặt trái.
Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ gần đây, lạm phát đã gây ra tác động đáng kể đến các hộ gia đình trung lưu Hoa Kỳ. Không giống như nhiều người lo ngại, lạm phát thậm chí đã giúp giảm thiểu sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo nói chung.
Đó là do "hiệu ứng của cải" của lạm phát, và hiệu ứng này hoạt động như sau.
Giả sử bạn có 100 USD và 20 USD nợ, thì tài sản ròng của bạn là 80 USD. Giả sử, lạm phát là 5% mỗi năm và giá trị danh nghĩa của tài sản của bạn tăng với tỷ lệ tương tự (giá của các tài sản như nhà cửa có xu hướng thay đổi theo lạm phát). Trên thực tế, giá trị tài sản của bạn không thay đổi (vì tăng theo lạm phát), nhưng khoản nợ của bạn hiện đã giảm giá trị 5%. Vì vậy, tài sản ròng của bạn tăng lên 81 đô la, tăng 1,25%.
Hơn nữa, tỷ lệ nợ trên tài sản càng cao thì tỷ lệ phần trăm gia tăng giá trị ròng do lạm phát càng lớn. Đây là "hiệu ứng đòn bẩy": Nếu khoản nợ của bạn trong ví dụ trước là 40 USD, thay vì 20 USD, thì tài sản ròng của bạn sẽ tăng 3,3%.
Ở Mỹ, tầng lớp trung lưu - được định nghĩa là hộ gia đình trung bình - vay nợ nhiều hơn so với những người giàu (1% dân số giàu nhất). Năm 2019, tỷ lệ tổng nợ hộ gia đình trên tổng tài sản của tầng lớp trung lưu là 36,5%, so với tỷ lệ chỉ 2,3% của nhóm người rất giàu. Do đó, xét về tài sản ròng, tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ lạm phát so với tầng lớp giàu có.
Một đặc điểm nổi bật trong chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ kể từ đầu những năm 1980 là lạm phát điều độ, ở mức trung bình 2,5% mỗi năm từ năm 1983 đến năm 2019 (giai đoạn ông Edward N. Wolff đã nghiên cứu). Trùng hợp với xu hướng này là sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo ở Mỹ. Để đo lường điều này, chuyên gia Đại học New York đã sử dụng tỷ lệ giữa tài sản của 1% dân số giàu nhất so với mức giàu có trung bình (nghĩa là mức độ giàu có của một hộ gia đình trung bình). Từ năm 1983 đến 2019, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 131,4 lên 273,8.
Mặc dù bất bình đẳng giàu nghèo tăng vọt trong thời kỳ này, lạm phát thực sự là một yếu tố giúp giảm thiểu bất bình đẳng vì nó giúp ích cho tầng lớp trung lưu - những người vay nợ - nhiều hơn so với giới siêu giàu. Nếu lạm phát bằng 0, theo tính toán của giáo sư Wolff, tỷ lệ bất bình đẳng giàu nghèo sẽ còn tăng cao hơn, lên 385. Thay vào đó, việc các khoản nợ giảm giá trị vì lạm phát, đã dẫn đến mức tăng trung bình của tài sản Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 36 năm là 76%.
Ý nghĩa chính sách của những phát hiện này là gì? Cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nên cố gắng giảm lạm phát hay nên có lập trường thoải mái hơn? Theo Giáo sư Edward N. Wolff, một cách để ra quyết định là so sánh hiệu ứng thu nhập của lạm phát (là tiêu cực) với hiệu ứng của cải (là tích cực). Nếu tác động hiệu ứng thu nhập lớn hơn, thì lạm phát nên bị kiểm soát chặt. Nhưng nếu tác động của hiệu ứng của cải lớn hơn, thì nên khuyến khích lạm phát ở một mức độ nhất định.
Trong giai đoạn 1983-2019, lạm phát khiến thu nhập trung bình của các hộ gia đình Hoa Kỳ giảm 50.000 USD, nhưng đã nâng cao mức tài sản trung bình lên hơn 60.000 USD. Có nghĩa là, hiệu ứng của cải lớn hơn hiệu ứng thu nhập. Ngược lại, lạm phát làm giảm thu nhập thực tế của những người siêu giàu khoảng 600.000 USD, trong khi chỉ làm tăng tài sản của họ chưa đến 500.000 USD.
Xét trên phương diện tài sản ròng, lạm phát có lợi cho tầng lớp trung lưu và ảnh hưởng xấu đến những người siêu giàu. Nó cũng đã giúp hạn chế cả bất bình đẳng giàu nghèo nói chung. Những người lo lắng về sự gia tăng lạm phát gần đây - như FED - nên ghi nhớ điều này khi xem xét liệu có nên kìm hãm nó hay không và kìm hãm ở mức độ nào.
Lược dịch từ bài viết Mặt trái của lạm phát Hoa Kỳ đăng trên Project Syndicate của tác giả Edward N. Wolff. Ông là Giáo sư Kinh tế tại Đại học New York và là tác giả cuốn sách A Century of Wealth in America (Nhà xuất bản Đại học Harvard, 2017).
https://cafef.vn/goc-kinh-te-hoc-vi-sao-lam-phat-co-loi-cho-tang-lop-trung-luu-nguoi-sieu-giau-moi-chiu-thiet-20220223094828936.chn