Chuyên gia quốc tế chỉ ra những ngành tiềm năng để đầu tư khi kinh tế Việt Nam phục hồi
Trang Asian Investor dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết, Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và từng bước trở thành điểm đến được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bài viết, các chuyên gia đánh giá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế bền vững với GDP luôn tăng trưởng ổn định, trung bình 6%/năm cho đến năm 2019.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2022, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn là 6,6%, so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2021.
Ông Jason Ng, Giám đốc điều hành VCG Partners, dự báo GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay. VCG Partners hiện là công ty con tại Singapore của VinaCapital, một trong những công ty quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam
Theo ông Jason Ng, GDP Việt Nam sẽ được thúc đẩy nhờ sự phục hồi tiêu dùng, khả năng mở cửa hoàn toàn du lịch để đón khách nước ngoài và gói kích cầu trị giá 350 nghìn tỷ đồng vừa được thông qua.
Bài viết nhấn mạnh, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng là công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn FDI không sụt giảm nhiều dù bị ảnh hưởng của đại dịch.
Theo WB, khoảng 15,8 tỷ USD vốn nước ngoài đã đổ vào Việt Nam trong năm 2020, giảm nhẹ so với 16,1 tỷ USD của năm 2019. Con số chính thức cho năm 2021 dự kiến duy trì ở mức này do sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có trình độ của Việt Nam, đồng tiền ổn định và các ưu đãi cho doanh nghiệp.
Phần lớn nguồn vốn FDI đã đổ vào các lĩnh vực sản xuất, Việt Nam trở thành nơi cung cấp các sản phẩm từ điện thoại Samsung cao cấp, máy điều hoà nhiệt độ LG đến các hàng hoá giày dép và quần áo cho các thị trường nước ngoài.
Ông See Yong Sheng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam chia sẻ. "Việt Nam được hưởng lợi từ việc các công ty chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại Trung – Mỹ".
Bài viết cũng lưu ý, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam nâng cao vị thế như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu.
Một yếu tố khác làm động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng trong nước gia tăng nhanh. Đầu tư nước ngoài gia tăng trong những năm gần đây đã tạo ra việc làm và tầng lớp trung lưu đông đảo.
Nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, những người kiếm được 700 USD/tháng, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ kỹ thuật số và các sản phẩm "xanh" là những ngành có cơ hội đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, ông Jason Ng nhận định, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư nước ngoài là lạm phát bùng phát trở lại và đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD.
Dù vậy, theo ông, với dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD và thặng dư thương mại tốt, Việt Nam vẫn có thể giữ vững sự phát triển của mình.
Nguồn: AsianInvestor
https://cafef.vn/chuyen-gia-quoc-te-chi-ra-nhung-nganh-tiem-nang-de-dau-tu-khi-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-20220318114858136.chn