A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự tấn công của Kpop nhìn từ sức hút của Blackpink

Hàng nghìn khán giả đã xếp hàng dài dưới nắng nóng trước sân Mỹ Đình trong ngày đổi vé xem đêm diễn của Blackpink. Kpop với 2 đại diện tiêu biểu là BTS và Blackpink đang khuynh đảo thế giới, trong đó có Việt Nam...

Sự tấn công của Kpop nhìn từ sức hút của Blackpink

Người hâm mộ xếp hàng dài dưới thời tiết nắng gắt để đổi vòng tay cho đêm diễn của Blackpink. Ảnh: Minh Phong

Những ngày này, âm nhạc của Blackpink chiếm lĩnh thị trường nghe của khán giả trẻ Việt. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Lao Động sau 2 tiếng đứng xếp hàng dưới nắng nóng đợi đổi vé xem đêm diễn của Blackpink, nhiều khán giả cho biết, họ háo hức chờ đợi đến thời khắc được hòa giọng hát cùng 4 cô gái nhà YG Entertaiment.

Theo chuyên gia về văn hóa và các lĩnh vực nghệ thuật Hàn Quốc, Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: “Trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn là thị trường có số lượng fans khủng của Kpop ở khu vực châu Á. Gần như mọi nhóm nhạc khi ra mắt, công ty quản lý sẽ nhắm đến khán giả Việt Nam để đo độ nóng của “gà nhà”. Khán giả Việt luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng cổ vũ, cày view nhiệt huyết, giúp ca sĩ thần tượng Kpop thêm vững niềm tin”.

Từ loạt MV của BTS, Blackpink đến những sản phẩm solo của các thành viên trong nhóm thời gian qua, tất cả đều được khán giả Việt tích cực đón xem và cày view không mệt mỏi... Trước đó, MV Flower của Jisoo - thành viên nhóm Blackpink trở thành hiện tượng nghe ở thị trường Việt. Điệu nhảy Flower với những động tác thu hút, ấn tượng, không giống ai đã gây bão khắp các nền tảng mạng xã hội.

Sự vận hành chuyên nghiệp mang tính “công nghiệp hóa” đã và đang phát huy tối đa hiệu quả ở Kpop. Phía sau BTS, Blackpink hay các nhóm nhạc là những chuyên gia hàng đầu ở tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, chuyên gia thời trang (stylist) đến truyền thông, quảng bá.

SCMP đánh giá, “Thành công của Kpop là sự nỗ lực chung tay của cả quốc gia, từ khán giả đến chính phủ Hàn Quốc. Chính phủ tạo mọi điều kiện tốt nhất về chính sách để Kpop phát triển, khán giả đón nhận rầm rộ, cộng hưởng với sự cố gắng ở mọi khâu sản xuất đã biến mỗi nhóm nhạc Kpop trở thành sản phẩm văn hóa tinh xảo”.

Chứng kiến sự lớn mạnh của Kpop khắp toàn cầu, nhạc sĩ Quốc Trung từng cảm thán: “Trong bối cảnh này, nghệ sĩ Việt chỉ mải mê lo chạy show kiếm tiền, tham gia chơi gameshow, chứ không ai có khát vọng vươn ra thế giới. Chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển của Kpop, ai ai cũng ngợi khen Kpop, nhưng không thấy có ca sĩ nào muốn học hỏi, chăm chỉ luyện tập để vươn ra quốc tế như các nghệ sĩ Kpop”.

Theo phân tích của nhạc sĩ Quốc Trung, “Kpop được chuyên nghiệp hóa từ các công ty quản lý, họ tổ chức và lên chiến lược bài bản cho hoạt động, ra mắt sản phẩm cho ca sĩ. Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, ca sĩ hoạt động tự do, đơn lẻ, mang tính cá nhân. Người quản lý chỉ đóng vai trò xếp lịch diễn, thậm chí mang vác váy áo, đồ đạc cho ca sĩ sau sân khấu”.

Đánh giá về kế hoạch công nghiệp hóa văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2045 có tham vọng biến các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (trong đó có âm nhạc) có thể kiếm tiền đóng góp cho GDP, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, tham vọng này khá xa vời nếu nhìn từ thực tiễn thị trường nhạc Việt hiện tại.

Theo đó, muốn công nghiệp hóa âm nhạc, bản thân mỗi nghệ sĩ phải có khát vọng lớn vươn ra toàn cầu, từ đó sẵn sàng học hỏi, trau dồi, luyện tập không ngừng nghỉ, kèm theo đó là chính sách và sự đầu tư chung tay của doanh nghiệp, nhà nước.

Ở các hội thảo về kế hoạch công nghiệp hóa văn hóa, các chuyên gia đều cho rằng đầu tư vào văn hóa là thiết thực nhất là khi nhìn vào BTS, Blackpink, hai nhóm nhạc hiện sánh ngang với các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Hyundai... trong việc đóng góp cho GDP Hàn Quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội