Đạo diễn Phan Huyền Thư làm phim khi cảm thấy bất an
Sinh năm 1972 tại Hà Nội, Phan Huyền Thư là một nhà thơ, đạo diễn - nhà biên kịch chung thủy với dòng phim tài liệu.
Phan Huyền Thư và các nhân vật trong phim 'Cuộc đời sau trang sách'. |
Dù ở vị trí biên kịch hay đạo diễn, Phan Huyền Thư luôn bộc lộ năng lượng nghệ thuật dồi dào cùng tình yêu tha thiết với cuộc sống.
- Sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, hẳn chị đã có khởi đầu rất thuận lợi?
Năm tuổi tôi bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc. Mười một năm tôi học ở Nhạc viện, từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia, sau đấy là tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Khi trở thành phóng viên theo dõi mảng điện ảnh, tôi bắt đầu cảm thấy yêu thích, đam mê môn nghệ thuật thứ 7 này. Tôi hiểu rằng muốn khám phá thế giới ấy thì không chỉ bằng tình yêu thông thường mà cần phải có sự hiểu biết, kiến thức.
Để tạo được những tác phẩm hoặc làm nên một sự nghiệp thì tài năng chỉ là một phần. Chính vì thế tôi đã theo học những khóa đào tạo điện ảnh do người nước ngoài dạy. Và cho đến giờ phút này, may mắn lớn nhất cuộc đời tôi là được gặp những người thầy tuyệt vời. Nếu không có những người thầy ấy thì không bao giờ có Phan Huyền Thư ngày hôm nay.
- Nhiều phim tài liệu của chị đã đến với khán giả thế giới, tiêu biểu như “Cha mẹ xin lỗi con”. Điều gì đã giúp bộ phim tiến xa như thế, thưa chị?
Vào thời điểm năm 2006 khi tôi tiếp cận vấn đề này thì Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ nạo phá thai. Nhân vật chính trong phim của tôi hằng ngày đi gom nhặt những xác thai nhi ở bệnh viện và nhiều nơi khác để lập nghĩa trang cho các bé.
Cá nhân tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện bình dị, lay động con người, không muốn xoáy vào sự nhức nhối, đau đớn, hay nhấn mạnh nó như một vấn nạn. Khi bộ phim phát sóng tạo được dư luận rất lớn, nhiều bạn gái trẻ đã có sự thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi và tự bảo vệ mình, sống có trách nhiệm hơn.
Tiếng nói từ tác phẩm tác động tới xã hội - đó là một phần thưởng vô giá, khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tất nhiên, hiện thực vẫn chưa khép lại. Vấn nạn nạo phá thai rồi vứt bỏ thai nhi, thậm chí là vứt bỏ trẻ sơ sinh hiện nay vẫn đang là một thực trạng nhức nhối. Và vẫn có những nhà làm phim khai thác tiếp đề tài này.
- Phải chăng, việc lựa chọn vấn đề là bước quan trọng đầu tiên của người làm phim tài liệu, thưa chị?
Đạo diễn Phan Huyền Thư. |
Với các tác phẩm tiêu biểu: “Cha mẹ xin lỗi con”, “Quyền được học”, “Mẹ - con đã về”, “Cuộc đua”, “Cuộc đời sau trang sách”… Phan Huyền Thư nhận được nhiều giải thưởng nghề nghiệp uy tín tại các liên hoan phim điện ảnh và truyền hình, Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải Báo chí quốc gia. Một số tác phẩm của chị được mua bản quyền phát sóng ở nước ngoài, tham dự nhiều liên hoan phim tài liệu quốc tế và công chiếu ở các trường đại học lớn trên thế giới…
Khi tôi tham gia đào tạo cho các bạn trẻ ở Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD, các bạn hỏi: “Khi nào thì quyết định làm một bộ phim?”. Tôi nói rằng, khi một câu chuyện, một vấn đề mà mỗi lần nghĩ đến khiến cho tim bạn đập nhanh hơn, miếng ăn của bạn không còn vị giác nữa, giấc ngủ của bạn không còn tròn đầy, bạn trằn trọc với nó, nhắm mắt lại bạn vẫn cứ nghĩ về nó - đó là lúc bạn nên làm phim.
“Cuộc đua”, “Cha mẹ xin lỗi con”, “Quyền được học”… các phim đều có những bất an trăn trở của tôi ở đấy.
Tôi muốn chia sẻ thêm về bộ phim “Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn”. Đây là những câu chuyện mà tôi ghi được trên chuyến tàu đưa người thân ra thăm các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa.
Có hai cựu chiến binh từng dành cả thanh xuân ở chiến trường, sau trở về hậu phương lập gia đình thì họ lại có hai người con đều là lính Trường Sa.
Một chiến sĩ đã hy sinh 10 năm trước, nhưng lần đầu tiên người cha được ra thăm. Một chiến sĩ đi xa tròn 3 năm, người cha cũng lần đầu được ra thăm con và nhận mộ. Hai người cựu chiến binh có chung gia cảnh, làm quen, chuyện trò với nhau, nhận nhau là đồng hương. Những giọt nước mắt của họ, tôi nghĩ rằng nó mặn hơn nước biển rất nhiều.
Tôi cũng hiểu vì sao mà bộ phim lấy nước mắt của những cựu chiến binh Mỹ, lấy nước mắt của rất nhiều người không ở trong cảnh ngộ đó. Đến ngày hôm nay, Trường Sa vẫn vững vàng thì đó là một câu chuyện đáng để chúng ta phải im lặng mà quan sát, suy nghĩ và thay đổi.
- Thế còn bộ phim “Ba mùa” (2016), mà chị đồng đạo diễn cùng nhà quay phim Trần Quý, thì sao?
Câu chuyện của chúng tôi tên là “Ba mùa”: Mùa khô, mùa mưa và một mùa nữa bao trùm lên - mùa của cảm xúc. Bộ phim này từng được Liên Hợp Quốc mời trình chiếu trong các diễn đàn biến đổi khí hậu, cũng là một trong những bộ phim đại diện để nói lên tiếng nói của những phụ nữ trong công cuộc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Có một thực tế là hiện nay cùng với những xung đột, sự mất cân bằng về xã hội đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới thì chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng về sinh thái.
Đi qua vùng cảm xúc, đi qua tất cả hiện thực thiếu thốn, đi qua sự đơn độc, đi qua những trăn trở thì mới thấy con người ta nhỏ bé làm sao trước thiên nhiên. Chúng ta không thể cưỡng lại được hiện thực ấy và từng ngày từng ngày chúng ta lại vô tình cùng nhau tạo nên áp lực lớn hơn nữa cho mẹ Trái đất.
Chúng ta tự phá hoại môi trường sống, khiến chính chúng ta không còn chỗ để sống nữa. Tôi nghĩ điều này sẽ còn mang tính báo động đỏ trong thời gian dài
- Với người làm phim tài liệu hiện thực, có lẽ khó khăn nhất vẫn là thuyết phục được nhân vật của mình. Vậy, làm thế nào để nhân vật có thể tin tưởng gửi gắm cuộc đời họ qua máy quay phim?
Đó là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, khó nhất, cũng là kỹ năng đầu tiên mà một người bước chân vào lĩnh vực làm phim tài liệu điện ảnh độc lập cần phải học. Thực tế không phải ai cũng học được, và không phải ai cũng có đủ sự kiên nhẫn, sự trải lòng chia sẻ.
Tuy nhiên phải có kỹ năng. Và tôi đã tiếp cận được các kỹ năng đó khi theo học các khóa làm phim tài liệu của Aterlier Varan (Pháp). Khi làm phim “Ba mùa”, tôi vào lòng hồ Sông Sắt (Ninh Thuận) và không được cộng đồng người Raglay ở đó đón nhận. Ngôn ngữ bất đồng là một chuyện.
Cơ bản là vì tôi vốn hoàn toàn xa lạ với họ. Họ nấu cơm ăn, cũng không mời. Tôi ra gốc cây bẻ gói mỳ tôm ăn rồi uống nước lọc. Trời thì nắng chang chang. Nhưng khi đến gần hơn được với họ rồi thì tôi ăn cùng họ, tôi ngủ trong lều không có điện, đêm chỉ có một ngọn lửa leo lét, xung quanh tối mù mịt, nằm giữa thảo nguyên nhìn lên bầu trời đầy sao.
Họ làm gì tôi cũng làm theo, đi trồng ngô, đi câu cá tôi cũng cứ lẽo đẽo đi theo. Về sau, họ dường như quên mất sự tồn tại của một người khác hoặc là một đoàn làm phim ở bên cạnh. Hơn nữa, ở đây là sự chia sẻ. Nhân vật của tôi tự sự về bản thân, chị khóc, khi chị ngẩng lên thấy tôi cũng đang khóc.
Và đấy là khoảnh khắc chị hiểu rằng hai con người có thể gần với nhau hơn là giữa chị với con lợn A-châu của chị, hay con dê, con vịt con gà vốn thân thiết với chị. Khi hai người đàn bà ôm nhau khóc trong mái tranh như thế thì tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà câu chuyện không được vang lên, bắt đầu bằng những lời kể, lời tự sự.
Phan Huyền Thư cùng đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy tại hãng phim TL và KH TW. |
- Hào quang của điện ảnh vốn rất hấp dẫn, nhất là khi người nghệ sĩ đã gặt hái được thành công. Chị nghĩ như thế nào về điều này?
Tôi không có ý niệm gì về chuyện thành công của phim tài liệu hay trong điện ảnh, hoặc là hào quang nghệ sĩ. Có thể khi bước lên bục nhận giải thưởng thì nhận được sự vinh danh nào đấy.
Nhưng đó là khoảnh khắc, như một ánh chớp lóe lên, và sau đó bạn bắt buộc phải trở về cuộc sống đời thường của mình, với công việc của mình. Tôi đã có những đêm ngủ giữa cánh đồng mênh mông ở Quảng Bình, xung quanh là những bãi dò mìn dang dở.
Đấy cũng là nơi mà nhân vật của chúng tôi đang sống. Hằng ngày, các bác đi đánh cá, nhặt phế liệu kiếm sống và buổi tối các bác đốt đống lửa, góp mỗi người nắm gạo, nấu nồi cháo to đùng mà trong đó con gà chỉ to hơn hai nắm tay của tôi chút thôi.
Cả làng ăn chung, húp chung nồi cháo đó rồi tập tuồng, diễn tuồng cho nhau xem. Chỉ khi nào tôi đến với những vùng đất, những câu chuyện, những con người, những cuộc đời tôi gặp mách bảo trái tim tôi có đập nhanh hay không, có bị bất an hay không, thì từ đó tôi có những câu chuyện kể lại bằng phim tài liệu.
- Đằng sau những giải thưởng, phải chăng còn là bao vất vả, sự dấn thân và đôi khi cả sự đánh đổi?
Năm 40 tuổi, mang thai con thứ ba, tôi làm phim: “Đằng sau sự sống” về những người tạc tượng nhà mồ ở Tây Nguyên. Mỗi buổi sáng, nước sông cạn, tôi đi bằng voi vào trong rừng Yok Đôn. Buổi chiều thủy điện xả nước, voi không thể đi được thì tôi phải ra bằng thuyền.
Phim tài liệu 'Ba mùa'. Ảnh chụp màn hình. |
Nhiều ngày như thế. Lúc đó tôi mang thai chừng 3 - 4 tháng. Cũng trong năm đấy, bộ phim thứ hai “Cuộc đời sau trang sách”, tôi đi theo Nguyễn Sơn Lâm - bây giờ là một thần tượng của giới trẻ - cùng Sơn Lâm leo Fansipan, rồi đi gặp những nhân vật khác là những người khuyết tật sống cuộc đời sau trang sách, trong đó có thầy Nguyễn Ngọc Ký ở Thành phố Hồ Chí Minh, gặp em Minh Trí ở tận An Giang.
Thời điểm ấy bụng tôi đã lớn rồi. Thật lòng mà nói, những bộ phim của tôi không chỉ là mồ hôi đâu, nó còn là nước mắt và thậm chí cả máu. Nhưng đánh đổi lớn nhất là sự không thấu hiểu. Đôi khi tôi đơn độc lắm. Tôi đơn độc giữa chính những đồng nghiệp, đơn độc với chính gia đình của mình nữa.
Tôi thường phải thức đêm dựng phim, rồi đi công tác xa nhà, cái đồng hồ sinh học của mình bị đảo lộn khủng khiếp. Và để có được những thước phim như thế thì ngoài chuyện màn trời chiếu đất, bữa đói bữa no, rồi những chuyện tai nạn, nỗi xa nhà, nhớ con, thiếu thốn đủ thứ, thì còn có những lúc không ai hiểu công việc của mình.
Nó cũng khiến cho mình cảm thấy rất cô đơn. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, được cô đơn để đối diện với chính mình, được làm cái nghề mình yêu thích.
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, nhà biên kịch Phan Huyền Thư về cuộc trò chuyện này.