Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Tạo đồng bộ trong quy hoạch
Luật Quy hoạch đô thị 2009 ra đời và có hiệu lực từ năm 2010 là công cụ đắc lực cho quản lý, phát triển đô thị những năm qua. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi, Luật đã xuất hiện các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Những bất cập khi Luật đi vào cuộc sống
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, trong quá trình triển khai công tác nghiên cứu, tư vấn lập quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội nhận thấy, các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đang dần hoàn thiện, đầy đủ hơn, cơ bản có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật chung. Tuy nhiên, pháp luật về quy hoạch còn tồn tại một số vấn đề cần được tháo gỡ, sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Lưu Quang Huy nêu ví dụ cụ thể tại khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị”. Tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể nên thực tế gặp nhiều vướng mắc, không thể triển khai. Việc tài trợ bằng kinh phí, để đảm bảo khách quan phải chuyển vào ngân sách Nhà nước và thực hiện chi như vốn ngân sách Nhà nước nên cũng không cải cách được thủ tục hành chính. Việc tài trợ bằng sản phẩm hiện nay chưa có hướng dẫn, do đó cần có nghiên cứu cụ thể để đảm bảo khách quan, minh bạch, tránh sự chi phối của các nhà tài trợ vào đồ án quy hoạch cũng như lợi ích nhóm.
Hay như tại khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”. Việc lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khác lại do cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện. Trường hợp chủ đầu tư được giao lập quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng, trong quá trình nghiên cứu nếu có sự thay đổi, biến động về nhu cầu sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp trên (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu), cần rất nhiều thời gian chờ đợi. Do đó, cần xem xét có quy định cụ thể về việc giao chủ đầu tư tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp trên để rút ngắn thời gian thực hiện.
Liên quan đến những tồn tại, hạn chế, qua công tác rà soát, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra các vấn đề bất cập trong công tác lập, lấy ý kiến, thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch... Do đó, Bộ Xây dựng đang Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm mục tiêu đảm bảo tính thống nhất, hiệu lực quản lý cao, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp của hệ thống pháp luật.
Sớm nghiên cứu ban hành
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ những bất cập thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới cho thấy, việc ban hành Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Vũ Anh Tú nêu, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về nội dung quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác, đặc biệt là với quy hoạch sử dụng đất vì đất đai gắn trực tiếp với quyền lợi của từng người dân.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung để có các quy định rõ ràng hơn về việc đánh giá kết quả thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt thông qua các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền, các cơ sở, căn cứ xử lý điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh các nội dung cần thiết của quy hoạch đô thị đã được phê duyệt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần có quy định về bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động quy hoạch để đảm bảo chất lượng nội dung, thời gian ban hành quy hoạch. Quy định rõ hơn đối với việc công khai quy hoạch và trách nhiệm đối với các đối tượng chịu tác động, điều chỉnh của quy hoạch đô thị. Cần nghiên cứu những quy định về quy hoạch đô thị làm cơ sở khai thác hiệu quả việc sử dụng đất, sử dụng không gian đô thị mà thực tế hiện nay là một yếu tố của kinh tế đô thị.
Cùng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch đô thị, ông Lưu Quang Huy đề xuất bổ sung quy định thời gian lập đồ án quy hoạch không bao gồm thời gian thành lập bản đồ đo đạc hiện trạng và thời gian lấy ý kiến cộng đồng. Đồng thời, xem xét quy định giao chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết, lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp trên; làm rõ nguồn vốn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo hướng dùng nguồn sự nghiệp kinh tế…
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi nội dung lấy ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch. Qua thực tế áp dụng quy định này trong thực tế 10 năm qua cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ quy hoạch không đạt mục tiêu cần thiết. “Nhiệm vụ quy hoạch là đầu bài, là các yêu cầu để lập quy hoạch, không thể hiện mong muốn cụ thể của cộng đồng dân cư nên việc lấy ý kiến rất hình thức, thời gian kéo dài mà không đem lại hiệu quả” – ông Lưu Quang Huy nêu.
Từ khi Luật Quy hoạch đô thị 2009 được ban hành, có hiệu lực, công tác quy hoạch đô thị được xác định theo một trình tự, thủ tục rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý phát triển đô thị từ lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đến lập, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị cũng được xác định rõ hơn. Thế nhưng trước sự phát triển rất nhanh chóng của kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ, Luật Quy hoạch đô thị 2009 đến nay cũng xuất hiện các bất cập cần được cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi bổ sung, đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Vũ Anh Tú