A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa trước cơ hội ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Quyết định phân bổ tối thiểu 122.250 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa (2025 - 2035) đang thu hút sự chú ý của dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy vậy, như quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, mức đầu tư này là hết sức cần thiết. Bởi đây là sự cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”.

Đồng thời là tiền đề để hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Hay nói như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, việc đầu tư cho văn hóa ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Mặc dù Nghị quyết 33-NQ/TW (2014) đã khẳng định cần đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng thực tế triển khai suốt 10 năm qua vẫn chỉ dừng lại trên văn bản, còn trong thực tế vẫn chưa tạo được đột phá đáng kể về mặt đầu tư.

Và phải đến bây giờ, khi việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, văn hóa mới có cơ hội ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong tương lai.

Tất nhiên, sức mạnh của văn hóa không chỉ phụ thuộc vào số vốn đầu tư, mà còn ở cách sử dụng và quản lý nguồn lực. Thêm nữa, có nhiều tiền, nhưng đầu tư không đúng trọng tâm trọng điểm, không giúp phát huy được giá trị, không biến được di sản thành tài sản… thì không những gây lãng phí nguồn lực mà có khi còn có tác dụng ngược là tác nhân gây hủy hoại văn hóa.

Để hiện thực hóa cơ hội “ngang hàng” này, cần sự nỗ lực và tầm nhìn dài hạn của đội ngũ làm văn hóa, nhằm đưa mỗi đồng vốn đầu tư phát huy giá trị tối đa, biến di sản thành tài sản, và tạo động lực bền vững cho sự phát triển đất nước!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội