A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Để Luật có “tuổi đời” lâu hơn

Theo đề xuất, Dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua dự án Luật Thuế TNCN tại Kỳ họp tháng 5/2026.

Cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải

Cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải

Mức giảm trừ gia cảnh cao hơn nhiều nước?

Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Cụ thể, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 sẽ xem xét giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương từ 7 xuống 5, riêng mức giảm trừ gia cảnh sẽ chưa điều chỉnh. Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5 - 35%.

Theo các chuyên gia đánh giá, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm. Điều này làm số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều. Vì thế, dự thảo chương trình xây dựng luật lần này đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.

 

Hiện nay, thuế TNCN đối với người làm công, ăn lương được chia làm 7 bậc: bậc 1 từ 0 - 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5%; bậc 2 từ 5 - 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ 10 - 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15%; bậc 4 từ 18 - 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20%; bậc 5 từ 32 - 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25%; bậc 6 từ 52 - 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30%; bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.

Dự thảo cũng đề cập việc xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế phù hợp hơn với mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi, việc sửa đổi giảm số bậc này sẽ khiến thuế TNCN bớt rối rắm.

Một bất cập của Luật Thuế là mức giảm trừ gia cảnh được nhiều người cho là đã lỗi thời so với thực tế hiện nay. Dù mức giảm trừ này đã tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng từ 1/7/2020 nhưng vẫn bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong Dự thảo đánh giá, mức giảm trừ hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước. Bộ Tư pháp dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 9,184 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Vì thế, mức cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Cũng theo dự thảo, nhu cầu sống của cá nhân người nộp thuế rất khác nhau nên việc đưa ra mức giảm trừ thường ít có sự đồng thuận do xung đột về lợi ích cũng như quan điểm. Mức giảm trừ quá cao sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của nó (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập), gây ra nhiều khó khăn cho các lần cải cách tiếp theo....

Nếu dự kiến đến 2026, Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.

Cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải

Cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải

Cần sửa nhanh và chắc chắn

Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014). Theo đề xuất, dự án sửa đổi Luật Thuế TNCN sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua dự án luật Thuế TNCN tại Kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy người nộp thuế TNCN sẽ phải chờ đến hơn 3 năm nếu những đề xuất sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.

Giám đốc Công ty Luật Anvi nhận định, nếu đến năm 2026 mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thì đây là mức điều chỉnh kỹ thuật. Theo Luật Thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh khi lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng – CPI) tăng trên 20% thì sẽ được thay đổi. Đến năm 2026 thì ước tính lạm phát của Việt Nam cũng sẽ ở mức này. “Báo cáo cũng đã nghiên cứu về bậc thuế lũy tiến và cho rằng cần điều chỉnh giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thì tại sao lại chờ đến mấy năm mà không chịu sửa ngay vì đây là quy định bất hợp lý?”- ông Đức đặt vấn đề.

Bên cạnh việc cần sửa nhanh những bất cập của thuế TNCN, việc sửa đổi phù hợp, linh hoạt để Luật có "tuổi đời" lâu hơn, không sớm lỗi thời cũng là câu chuyện được đề cập đến.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc sửa thuế TNCN có thể chậm nhưng phải chắc. Năm 2024 hay 2025 có thể sửa Luật Thuế này nhưng trên nguyên tắc phải đáp ứng được mong mỏi của người lao động và người đóng thuế, đừng để mỗi lần nói đến thuế TNCN là người người, nhà nhà than phiền. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, cách điều hành cũng như việc xây dựng Luật Thuế TNCN của Tổng cục Thuế thời gian qua có vấn đề, chỉ tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc.

 

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.

 

 

Cứ điều hành thuế theo lạm phát là không được vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Mỗi thứ một năm một khác tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát. Trong khi các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội