A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thảo luận quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội tiến hành thảo luận quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội thảo luận quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô được lập phải bảo đảm tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực. Ảnh: Nhật Nam

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 20.6, Quốc hội sẽ xem video clip về quy hoạch Thủ đô. Sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời thảo luận đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, Hà Nội còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, như: Giao thông, điện, năng lượng, thông tin - truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội.

Đặc biệt, 3 vấn đề lớn cần lưu tâm là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt.

Từ thực trạng phát triển đô thị Thủ đô hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị thông minh và bản sắc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa - Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra nhiều “điểm nghẽn” mang tính tổng thể đang cản trở tiến trình phát triển.

Theo đó, về trình độ phát triển nền tảng sản xuất, cấu trúc các hình thái dịch vụ của thành phố về cơ bản nằm trên vỉa hè và bám theo các cấu trúc hạ tầng giao thông thay vì trong hệ thống thông minh và tinh vi với chất lượng dịch vụ giá trị gia tăng cao, các trung tâm dịch vụ lớn và văn minh.

Đáng chú ý, nguồn lực số cho hình thái đô thị thông minh của Hà Nội thiếu tập trung và phần nhiều chưa có sự chắt lọc và xử lý liên thông một cách chính xác, thông suốt.

Các dữ liệu cơ bản phục vụ cho việc phát triển giao thông, năng lượng, quản trị, phân bổ sản xuất, dịch vụ thông minh… về cơ bản ở trình độ sơ khai, phần nhiều chưa phản ánh đúng thực trạng do đầu vào dữ liệu dựa trên báo cáo bằng văn bản là chính.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô - cho biết, đồ án Quy hoạch đã nhận diện 5 điểm nghẽn chính gồm: Thể chế, hạ tầng, môi trường và các yếu tố về không gian, hạn chế trong quy hoạch, vấn đề liên quan đến cán bộ và công tác quản lý.

Theo đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có Luật Thủ đô nhưng thiếu các quy định về thể chế vượt trội, vẫn tuân thủ các quy định như các tỉnh nói chung.

Nhiều nguồn lực như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ... của Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế để biến thành động lực, đột phá.

Thể chế, mô hình quản trị của Hà Nội hiện chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô như diện tích rộng, dân số đông; mật độ dân số rất cao ở khu vực nội đô; nhiều đô thị chưa có mô hình quản trị như đô thị vệ tinh; mô hình quản trị các khu đô thị mới, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn nhưng nằm trong khu vực nông thôn.

Cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Sau đó đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội