A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chính sách mới về tiền lương, lao động có hiệu lực tháng 3.2022

Nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3.2022 sẽ được Lao Động cập nhật ngay sau đây:

Yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin về thị trường lao động

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ ngày 10.3.2022. Theo đó, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin về thị trường lao động. Cụ thể:

- Thu thập thông tin về cung lao động: Ngoài thông tin về họ tên, ngày sinh, giới tính, trình độ giáo dục phổ thông, công việc hiện tại, tình trạng thất nghiệp… Thông tư mới yêu cầu bổ sung thêm thông tin về nhu cầu đào tạo, việc làm (Điều 7 Thông tư 01/2022).

- Thu thập thông tin về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Ngoài thông cá nhân, giấy phép lao động, vị trí công việc đang làm, quy định mới yêu cầu thu thập thêm thông tin về trình độ chuyên môn đào tạo và chuyên ngành đào tạo; hình thức làm việc; loại hình doanh nghiệp, tổ chức làm việc; kinh nghiệm làm việc; chứng chỉ hành nghề; địa điểm và thời gian làm việc (Điều 13 Thông tư 01/2022).

Các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu thập các thông tin về thị trường lao động nói trên và báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hướng dẫn mới về chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ngày 1.3.2022 cũng là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, thay thế cho Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.

Theo Thông tư mới, cách thức chi trả chế độ tai nạn lao động trong trường hợp đặc thù đã có sự điều chỉnh.

Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2021, trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng doanh nghiệp không đóng BHXH cho họ thì phải trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền tương ứng với chế độ trợ cấp mà đáng lẽ do cơ quan BHXH thanh toán.

Trước đây, việc chi trả số tiền trên có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Thông tư mới đã bổ sung thêm quy định về trường hợp các bên không thống nhất hình thức chi trả thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động. 

Quy định cụ thể cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng BHXH

Ngày 28.12.2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH, trong đó hướng dẫn cách tính tần suất tai nạn lao động làm căn cứ để được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, theo Điều 8 Thông tư 27, tần suất tai nạn lao động được tính theo công thức sau:

Ki = Ni nhân với 1.000 chia cho Pi. Trong đó:

- Ki là tần suất tai nạn lao động của năm.

- Ni là số lượt người bị tai nạn lao động và số người chết vì tai nạn lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính từ 1.1 đến hết 31.12 trong năm thứ.

- Pi là số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính từ 1.1 đến hết 31.12 trong năm.

Tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất được tính như sau:

Ktb = K1 + K2 + K3 chia cho 3 Trong đó:

- Ktb là tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất.

- K1 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất (năm thứ 1).

- K2 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ nhất (năm thứ 2).

- K3 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ hai (năm thứ 3). Cách tính này được áp dụng kể từ từ ngày 1.3.2022.

Nếu tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội được xem xét giảm mức đóng BHXH vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0,3%.  

Cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được trợ cấp đến 2.473.000 đồng/tháng

Theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BNV, cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP năm 1975 và Quyết định số 111-HĐBT năm 1981 sẽ được điều chỉnh tăng 7,4% mức trợ cấp hằng tháng.

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2022, sau khi đã làm tròn số, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc sẽ được nhận mức trợ cấp hằng tháng như sau:

- Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 2.473.000 đồng/tháng.

- Cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 2.400.000 đồng/tháng.

- Các chức danh còn lại là 2.237.000 đồng/tháng.

Mặc dù Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.3.2022 nhưng chế độ trợ cấp trên được thực hiện ngay từ ngày 1.1.2022.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội