A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm tín dụng đen

Cùng với tăng cường kênh tín dụng chính thức cho người lao động, Bộ Công an mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc.

Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm "tín dụng đen"

Qua đó, để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen trong công nhân...

Gần 3.000 vụ tín dụng đen

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại Bắc Giang ngày 12/6, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh, tín dụng đen là nội dung xã hội rất quan tâm.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, liên quan đến tín dụng đen thì các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng và tạo vỏ bọc là các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính. Qua đó, thực hiện cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh.

“Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường xuyên có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua App, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường.

Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có lãi suất lên tới 90 - 100% mỗi tháng, thậm chí lên tới 700 – 1.000% mỗi tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…”, Thượng tướng Lương Tam Quang thông tin.

Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can. Trong đó, có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Vì vậy, tình hình tín dụng đen về cơ bản không gây bức xúc ở trong công nhân và xã hội.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho biết, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12.

Bộ Công an tập trung tổ chức phòng ngừa, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Qua đó, phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen.

Bộ Công an rà soát ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá các tổ chức này. Đồng thời, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen...”, Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Ưu tiên vốn vay

Nói về tình trạng tín dụng đen thời gian qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, dù Bộ Công an và địa phương quyết liệt vào cuộc nhưng tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại.

“Điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành...”, ông Tú lý giải về thực trạng.

Ông Tú cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm để chặn, xóa tín dụng đen. “Thứ nhất xác định nhu cầu vay chính đáng của người dân, khi họ có nhu cầu vay những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hằng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này là thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền triển khai.

Thứ hai, với nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính là hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội. Phần đó rõ ràng các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ, kể cả cầu và cung...”, ông Tú nêu ra 2 vấn đề cần giải quyết.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Tú cho hay, trong thời gian qua đã tăng cường cung ứng dịch vụ, cho vay tiêu dùng đến mọi đối tượng. Đặc biệt, vùng sâu, xa, vùng khó khăn.

Ông Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

“Ngay tại đây (buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại Bắc Giang - PV), chúng tôi đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc Ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ. Với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân...”, ông Tú thông tin.

Với gần 200 nghìn công nhân lao động ở các khu công nghiệp, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Giang (Bắc Giang) - bày tỏ, cần ưu tiên và tạo điều kiện vay vốn cho công nhân.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Giang phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức ngân hàng tín dụng thông tin trực tiếp đến người lao động về hỗ trợ tín dụng cho công nhân.

“Ban đề nghị Công đoàn khu công nghiệp chỉ đạo công đoàn cơ sở đứng ra làm cầu nối khi công nhân có nhu cầu vay vốn. Sau đó, có trách nhiệm kết nối giữa tổ chức tín dụng và công nhân lao động. Đặc biệt là các thủ tục vay vốn thuận lợi nhất cho người lao động để triển khai thực hiện...”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Ngọc cho hay, trước mắt Ban đang thực hiện kết nối với ngân hàng chính sách để hỗ trợ công nhân vay vốn mua nhà ở xã hội.

“Ngân hàng chính sách cùng với các cấp công đoàn phối hợp với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hướng dẫn thủ tục cho công nhân mua nhà ở. Bảo đảm đời sống người lao động chính là chìa khóa đẩy lùi tín dụng đen...”, ông Ngọc nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội