A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xâm nhập mặn vào sâu, nông dân tích trữ nước để ứng phó

Xâm nhập mặn đã vào sâu khoảng 40km, nông dân ở dưới hạ nguồn sông Tiền đã tích trữ nước đối phó với thực trạng trên để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Xâm nhập mặn vào sâu, nông dân tích trữ nước để ứng phó

Chị Lê Thị Hiệp (ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) tích trữ nước để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Ảnh: Thành Nhân

Xâm nhập vào sâu, nông dân tích trữ nước để ứng phó

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại cống Bến Rớ (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), kiểm tra độ mặn ở đây cho kết quả là 0,1‰. Kết quả này cho thấy, nước mặn đã xâm nhập sâu vào kênh Bến Rớ.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre, trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến ấp Long Hội (xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), cách cửa sông 36km.

Ngoài ra, độ mặn 1‰ đã xâm nhập đến ấp 6 (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách cửa sông 45km.

Còn trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Sơn Hoà (xã Sơn Phú, huyện Giống Trôm) - ấp Thanh Hưng (xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 40km.

Bên cạnh đó, độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Tiên Đông - Khánh Hội Đông (xã Tiên Thuỷ, huyện Châu Thành) - ấp Chợ Mới (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 59km.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) - cho biết, gia đình ông có trồng sầu Riêng với diện tích 2ha, loại cây này thì không chịu được nước mặn. Không còn cách nào khác, khoảng 2 tuần nay, ông và người dân ở đây phải lấy nước có độ mặn dưới 0.1‰ để tưới.

Địa phương chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, dòng chảy về đồng bằng xuống thấp ở các tháng đầu mùa kiệt mặn có thể xuất hiện sớm ở các vùng cửa sông trong tháng 1.2024, dự báo tăng cao trong tháng 2 và tháng 3.2024.

Đối với vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm ven biển các tỉnh ven biển như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Dự báo mặn vào sâu 45-65km, để chủ động ứng phó với đỉnh mặn tháng 2, từ 9-13.2.2024 thì các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt đảm bảo sản xuất, tăng cường giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, đối với việc nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân thì sở đã có yêu cầu nhà máy nước trên địa bàn lên các phương án để cung cấp nước ngọt kịp thời, đầy đủ cho người dân trên địa bàn.

“Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn. Đồng thời, đề nghị các nhà máy nước trên địa bàn lên phương án để cung cấp nước ngọt vừa phục vụ nước ngọt sinh hoạt của người dân, vừa để tưới tiêu vườn cây ăn trái trên địa bàn” - ông Thắm thông tin.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cũng cho hay, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân trên địa bàn tiếp tục tích cực trữ nước ngọt bằng nhiều hình thức, sử dụng tiết kiệm nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội