Rộn ràng trên nông trường sầu riêng ở Đắk Lắk
Những ngày này, nông trường sầu riêng Cư Bao (Đắk Lắk) đang rộn ràng tiếng công nhân lao động nói cười, làm việc, thu hái sầu riêng mỗi ngày.
Sáng tinh mơ trên nông trường Cư Bao (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), nhiều công nhân lao động đã hối hả thu hoạch sầu riêng.
Anh Y Bor Niê (SN 1997, thị xã Buôn Hồ) chia sẻ: "Vụ sầu riêng năm nay, tôi ký hợp đồng giao khoán thu hoạch sầu riêng với nông trường Cư Bao. Với công việc này, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng".
Theo anh Y Bor Niê, với diện tích đất trồng lớn này, anh em công nhân phải dậy từ lúc 5h sáng để làm việc tới tận lúc xế chiều để đảm bảo tiến độ thu hoạch.
"Nhà tôi có 2 người con chưa trưởng thành nên gần như toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào thu nhập của tôi. Thế nên, tôi sẽ cố gắng hết sức để có thêm nguồn thu nhập thời vụ cho gia đình" - anh Y Bor Niê chia sẻ thêm.
Theo thống kê, toàn nông trường Cư Bao đang có khoảng 30 công nhân (đều là đồng bào dân tộc thiểu số) nhận giao khoán khai thác gần 75ha sầu riêng. Điều đáng nói, đa phần người lao động đều có hoàn cảnh khó khăn nay tìm được công việc với mức thu nhập ổn định.
Anh Y Vanh Niê đang chăm chú gõ sầu riêng để cắt trái, cho biết: "Trong thời buổi này, kiếm được một công việc tốt, thu nhập ổn định như thế này không phải là việc đơn giản".
Theo anh Y Vanh Niê, thanh niên trai tráng trong vùng đi làm thuê đủ các việc cũng chỉ kiếm được khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Có mặt tại đây, chúng tôi cảm nhận thấy ai ai cũng có tinh thần trách nhiệm cao. Họ làm việc để bảo đảm tiến độ nhiệm vụ được giao và cũng để gia tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Mới hơn 20 tuổi nhưng chị H'Hong Ajun đã ý thức được việc cần cù lao động là để thoát nghèo trong nay mai. Từ đầu tháng 8 đến nay, không ngày nào chị H'Hong xin nghỉ việc.
Thậm chí, nếu cần tăng ca, chị vẫn sẵn sàng làm việc. Toàn bộ tiền lương chị H'Hong tiêu xài một vài phần, còn lại chị tích lũy để sửa sang lại căn nhà cấp 4 đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Trường Tam - Giám đốc Nông trường Cư Bao - chia sẻ, bên cạnh việc trồng cây chủ lực là caosu và chuối, chúng tôi đã và đang đầu tư thêm vào cây sầu riêng để cải thiện hoạt động kinh doanh. Quá trình chuyển mình này đã giúp đơn vị tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
"Việc ký kết các hợp đồng giao khoán với công nhân được tiến hành bài bản. Người lao động được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, công ty cũng xem xét những người làm tốt, năng suất cao để ký hợp đồng dài hạn, giúp họ có công ăn việc làm ổn định" - ông Tam chia sẻ.
Nông trường Cư Bao là chi nhánh thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO). Sau hơn 5 năm đầu tư, phân bổ lại diện tích canh tác (bên cạnh việc trồng cây cao su), đây là năm đầu tiên nông trường Cư Bao bước vào vụ mùa thu hoạch sầu riêng. Nhờ đó, người lao động tại chỗ trong vùng có thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho bản thân, gia đình.