A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi nông dân làm du lịch

Việt Nam có hơn 70% dân số ở nông thôn, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa, tập quán canh tác lâu đời nên có nhiều ưu thế phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch nông nghiệp được đánh thức, cần một cú hích đủ mạnh.

Dọc theo dải đất hình chữ S là 63 tỉnh, thành, nơi nào cũng sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nên thơ cùng những người nông dân chân tình, hiếu khách. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch, là lợi thế của Việt Nam.

Theo đó, du khách đến Cần Thơ khó lòng bỏ qua trải nghiệm tham quan Cồn Sơn nơi chỉ có 79 hộ dân sinh sống. Tại đây, du khách sẽ được người dân hướng dẫn làm những món bánh truyền thống, thưởng thức trái cây ngay tại vườn hay xem cá lóc bay... Nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, Cồn Sơn từ một cù lao bị lãng quên, nổi tiếng “ba không” (không nước sạch, không điện, không đường) đã trở thành điểm đến hấp dẫn.

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Phát huy thế mạnh của làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Du khách tới đây được tham quan mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược. Trung bình mỗi năm, hoạt động này đã thu hút 15.000 - 20.000 lượt du khách đến tham quan, tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, loại hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp hình thành và phát triển từ năm 2016, đến nay đã có 65 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động.

Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. “Giai đoạn 2016 - 2021, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hút trên 4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 486 tỷ đồng” - bà Huỳnh Thị Hoài Thu nêu ví dụ.

Hiện, nhiều tỉnh thành đang phát huy rất tốt thế mạnh của mình và đã bắt đầu hình thành các vùng làm du lịch nông nghiệp, đang tiến dần lên những sản phẩm trải nghiệm, nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng quê, qua đó thu hút khách.

Cái “bắt tay” giữa hai ngành

Nhiều năm qua, du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích kép vừa mang lại sinh kế cho người nông dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh vốn có.

Tại buổi khảo sát các mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận, điểm nghẽn về du lịch nông nghiệp hiện nay là chính sách quản lý của các địa phương còn lúng túng, chồng chéo, chưa có hoạch định phát triển rõ ràng.

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại vùng như Đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn tình trạng sản phẩm đơn điệu, trùng lặp, thiếu tính sáng tạo nên chỉ đáp ứng nhu của du khách ở mức đơn giản...

"Nếu như ở Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có; Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có... điều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết” - ông Nguyễn Tuấn Anh nêu ví dụ.

Du khách Hà Nội tham quan vườn hoa cây cảnh Ngọc Lan (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam

Du khách Hà Nội tham quan vườn hoa cây cảnh Ngọc Lan (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam

Nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn này các chuyên gia du lịch có chung ý kiến, để du lịch nông nghiệp phát triển, đòi hỏi ngành du lịch phải đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn riêng về văn hóa, cảnh quan sinh thái từng địa phương, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị tự nhiên và văn hóa.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Five Star Travel Lương Duy Doanh mong muốn, các địa phương nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour mới đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho du lịch liên vùng. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng, để hình thành những chương trình du lịch liên vùng phong phú.

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Khẳng định du lịch nông nghiệp đóng vai trò, vị trí quan trọng trong định hướng phát triển du lịch chung của cả nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, các tỉnh thành trong quá trình xây dựng, khai thác loại hình này cần nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng những dịch vụ du lịch mới như: Du lịch về đêm, sinh thái, phong cảnh, trải nghiệm gắn với khai thác giá trị văn hóa và sinh thái nông nghiệp đặc thù, làng nghề.

Cùng với đó, chú trọng hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao với các sản phẩm chất lượng như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm.

Tại Tọa đàm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp giữa tỉnh An Giang và TP Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp kiến nghị Tổng cục Du lịch trên cơ sở Luật Du lịch 2017 tham mưu cơ quan chức năng ban hành khung cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, quy định các nội dung vay ưu đãi, lãi suất, định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng sản phẩm, dich vụ cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá sản phẩm.

Để đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông nghiệp, cái “bắt tay” giữa hai ngành du lịch và nông nghiệp sẽ mang lại nhiều hiệu quả, chỉ có như vậy, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam mới được ''đánh thức'' sau giấc ngủ dài.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội