Hướng đi cho làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Đứng trước biến động của thời đại, nhiều làng nghề truyền thống của Thủ đô phải đối mặt với nguy cơ mai một, thất truyền.
Nhiều khó khăn để giữ nghề thêu
Về thăm làng nghề thêu ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, các cơ sở bán tranh thêu, vận hành xưởng thêu thưa thớt. Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng 10km đoạn km30 trên quốc lộ 1A, có đến 6 ngôi làng có cổng treo biển “làng nghề thêu ren truyền thống”. Thế nhưng, gần như không còn hộ dân nào theo nghề thêu, không còn cơ sở tranh thêu, hàng thủ công thêu tay nào còn hoạt động.
Khó khăn lắm mới tìm được xưởng thêu của anh Nguyễn Văn Hợp, nằm trên km26 quốc lộ 1A. Cơ sở này đã hoạt động được khoảng 30 năm. Theo anh Hợp, thời kỳ tranh thêu hưng thịnh, nghề thêu tranh rất phát triển.
“Khoảng 20 năm trước, làng thêu hoạt động sôi nổi, phải nói rằng nhà nhà thêu, người người thêu, nhà nào cũng làm tranh thêu, áo thêu, khăn tay thêu để bán. Đến những năm 2015, nhu cầu tranh thêu giảm nhiều, người dân cũng không còn bám nghề. Đỉnh điểm là sau dịch COVID-19 đến nay, cả xã Quất Động chỉ còn vài cơ sở trụ lại”, anh Hợp chia sẻ.
Cơ sở sản xuất tranh của anh Nguyễn Văn Hợp có mức giá đa dạng, dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy theo kích cỡ và độ phức tạp của tranh. Trong đó, anh tập trung sản xuất dòng “tranh du lịch”, tức là tranh có thêu hình các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để bán tại các điểm du lịch như phố cổ Hà Nội, Sa Pa, Đà Nẵng.
Anh Hợp chia sẻ, cả những bức tranh thêu tứ bình, mã đáo thành công, thêu cảnh vật kích cỡ lớn để treo phòng khách cũng chỉ có giá vài triệu đồng. Chưa kể, tranh thêu tay còn phải cạnh tranh gay gắt với tranh thêu vi tính (do máy tính kỹ thuật số hiện đại sản xuất hàng loạt). Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của anh Hợp đạt doanh thu khoảng 10-15 triệu đồng. Mỗi người thợ thêu tùy tay nghề nhận mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng, mỗi ngày làm việc 9 tiếng.
Nỗi sợ làng nghề mai một
Làng lụa Vạn Phúc cũng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Thủ đô, đã tồn tại hơn 1.000 năm. Nếu như đầu năm 2023, làng có xấp xỉ 800 hộ gia đình tham gia sản xuất lụa, chiếm 60% dân số của cả làng thì giờ đây, con số này đã “bốc hơi” không ít. Làng chỉ còn khoảng 400 hộ gia đình tham gia sản xuất lụa, 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh… phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu.
Tại các xưởng dệt, số lượng máy dệt và thợ dệt đều khá thưa thớt, chỉ vài ba người/hộ. Đặc biệt, đa số những người thợ lành nghề đều ở độ tuổi U60, U70; thợ trẻ khá ít. Các cửa hàng bày bán đa dạng mặt hàng lụa với màu sắc, chất lượng, mẫu mã khác nhau, với giá từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/món.
Bà Nguyễn Thị Phú - một thợ dệt lụa làng Vạn Phúc với hơn 60 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ: “Trước kia, vào thời hoàng kim của lụa Vạn Phúc, công việc guồng tơ, dệt vải diễn ra liên tục, có khi còn thiếu nhân lực lẫn máy dệt, sợi tơ... Thế nhưng giờ đây, công việc không còn nhiều như trước. Trong tháng, tôi nhận guồng tơ cho vài ba nhà nhưng không liên tục, có hôm được nghỉ chơi cả ngày”.
Tìm hướng đi cho các làng nghề truyền thống
Trước biến đổi của thời đại, nghề thêu, dệt lụa nói riêng và các làng nghề truyền thống nói chung đối mặt với nhiều khó khăn, có nguy cơ bị quên lãng, mai một giữa dòng chảy cuộc sống đương đại.
Để giữ gìn những làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, cần có những kế hoạch, đổi mới trong cách tiếp cận với nguồn di sản vừa đậm giá trị văn hóa, vừa giàu tiềm năng kinh tế này. Theo đó, phát triển du lịch làng nghề trở thành hướng đi hiệu quả được Hà Nội triển khai trong những năm qua.
Du khách đến với làng nghề Hà Nội sẽ được tham quan nơi sản xuất, lắng nghe câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm thủ công truyền thống, tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia một vài công đoạn sản xuất những vật dụng nhỏ của riêng mình. Đổi lại, các làng nghề sẽ có cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương, thu hút khách xem, mua về làm quà, thậm chí thúc đẩy hội nhập, giao thương quốc tế.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - nhận định, còn nhiều việc phải làm để gắn nghề với dịch vụ du lịch. Đặc biệt, cần quan tâm đến phát triển du lịch bền vững, trong đó, có bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn.
Du lịch tạo thêm việc làm và thu nhập, những tinh hoa của các làng nghề sẽ được bảo tồn và phát huy, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một địa phương không chỉ giàu đẹp về kinh tế mà còn sâu sắc về văn hóa.