A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Từ chợ truyền thống đến thương mại hiện đại, Bình Định đang dồn lực tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm vùng cao

Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na, H’rê. Đây cũng là 3 dân tộc thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, tỉnh được Trung ương phân bổ từ nguồn vốn ngân sách để triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số địa phương.

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai (Ảnh: Moit)

Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho thấy, với quyết tâm hiện thực hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bình Định đã dành hơn 2,19 tỷ đồng từ ngân sách địa phương giai đoạn 2021–2024 để tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vùng cao.

Năm 2023, tỉnh tổ chức thành công hai đợt giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Quy Nhơn. Lần lượt diễn ra vào tháng 8 và 12, hai sự kiện quy tụ 25 gian hàng với kinh phí gần 375 triệu đồng. Song song, các gian hàng Bình Định cũng góp mặt tại Hội nghị kết nối giao thương và Hội chợ Công Thương vùng Bắc Trung Bộ – Nghệ An, cũng như tham gia phiên chợ kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh với hình thức trực tuyến, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp địa phương.

Sang năm 2024, “chiến dịch thương mại vùng cao” tiếp tục được đẩy mạnh. Đáng chú ý, mô hình thương mại hai chiều – với sự tiên phong của HTX Chè Tiến Vua (An Lão) – đã nhận được 200 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách để triển khai thí điểm. Dự kiến mô hình sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 11/2024, phục vụ trực tiếp người dân địa phương.

Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối tiêu thụ tiếp tục được mở rộng. Từ tháng 7 đến tháng 9/2024, Sở Công Thương Bình Định tổ chức hai sự kiện lớn quy tụ sản phẩm đặc trưng của năm huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn. Mỗi huyện góp 2 gian hàng, tham gia các hội chợ tại Quy Nhơn, trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình thương mại điện tử khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao
Các sự kiện là cơ hội xúc tiến thương mại hiệu quả cho sản phẩm (Ảnh: Sở Công Thương Bình Định)

Các hội chợ không chỉ giúp quảng bá sản phẩm vùng cao mà còn là nơi thử nghiệm, học hỏi và khẳng định năng lực sản xuất, kinh doanh của các chủ thể địa phương – trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp.

Mô hình thương mại hai chiều – giải pháp thực tiễn

Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm kết nối, hiện nay, Sở Công Thương Bình Định còn hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều, được triển khai xây dựng tại Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Hợp tác xã tổ chức tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (dân tộc Bana và H’re) và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương.

Hiện nay, hợp tác xã đã mở quầy bán các sản phẩm của 20 thành viên tại huyện An Lão và hoàn thiện các bộ thiết kế, gian hàng trưng bày, bảng biển, tài liệu, tờ rơi, kênh truyền thông website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hợp tác xã xác định danh sách các sản phẩm tiềm năng của cả địa phương để đưa vào bày bán tại điểm mô hình thương mại hai chiều; lựa chọn và trồng thử nghiệm được một số loại nông sản, dược liệu phù hợp để triển khai chuyển giao cho các hộ thành viên và hộ liên kết.

Sự xuất hiện của các mô hình thương mại hai chiều là nét mới, được đánh giá cao trong chương trình. Đây là mô hình vừa tiêu thụ sản phẩm vùng cao, vừa cung ứng hàng thiết yếu cho người dân vùng sâu, vùng xa. Với định hướng mở rộng mô hình này sang các huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Sở Công Thương Bình Định đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và đang tích cực kêu gọi sự tham gia của hợp tác xã và doanh nghiệp.

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao
Hạ tầng chợ của Bình Định vẫn còn khó khăn (Ảnh: Nguyễn Sa Huỳnh)

Đối với hạ tầng thương mại địa phương, hạ tầng chợ – đặc biệt là các chợ vùng cao – vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều xã như Canh Hòa, Canh Thuận (Vân Canh); Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh); Bok Tới, Đak Mang (Hoài Ân) và hầu hết các xã miền núi An Lão chưa có chợ, khiến người dân phải giao thương qua các xã lân cận hoặc mua bán tự phát.

Tuy nhiên, Bình Định đã nỗ lực để hoàn thiện chợ xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh và huyện. Đây được xem là mô hình điển hình cần nhân rộng.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo Sở Công Thương Bình Định, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi triển khai tại đại phương vẫn đối mặt không ít rào cản: từ địa bàn rộng, giao thông khó khăn, đến thiếu vốn đối ứng cho đầu tư hạ tầng; lực lượng sản xuất – kinh doanh tại chỗ còn mỏng; một số xã đặc biệt khó khăn gần như không có đơn vị sản xuất tham gia xúc tiến.

Đặc biệt, sự chênh lệch lớn giữa miền núi và đô thị, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, khiến bài toán “gọi vốn – giữ chân đầu tư” tại các vùng cao thêm phần nan giải. Từ thực tế đó, Bình Định kiến nghị tiếp tục bố trí nguồn vốn trung hạn, bổ sung cơ chế hỗ trợ mạnh hơn từ Trung ương, để chương trình không chỉ dừng lại ở “kết nối” mà có thể phát triển bền vững.

Thời gian tới, Sở Công Thương Bình Định xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội